Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Hướng dẫn phòng bệnh trong cộng đồng

Sự khác biệt giữa lây qua không khí (airborne) và lây qua giọt bắn (droplet) là gì ?

08:46 10/02/2020

Cần làm rõ những thuật ngữ mà mọi người kể cả nhân viên y tế dễ nhầm lẫn như lây truyền qua giọt bắn (droplet), qua không khí (airborne) và tạo khí dung (aerosol-generating procedures).
Sự khác nhau giữa lây truyền qua không khí (airborne) hay giọt bắn (droplet) cơ bản tuỳ thuộc vào kích thước của những hạt có chứa mầm bệnh (virus hay vi trùng), mà có thể gây ra lây truyền qua không khí hay qua giọt bắn.

Sự lây truyền qua không khí (airborne): Xảy ra khi mầm bệnh bay trong không khí sau khi một người đang bị nhiễm bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Những mầm bệnh đó có thể lơ lững trong không khí và được người chung quanh hít vào ngay cả sau khi người bệnh ban đầu không còn ở gần đó nữa. Bệnh điển hình lây truyền qua không khí như là bệnh lao.

Sự lây truyền qua giọt bắn (droplet): Xảy ra khi mầm bệnh từ chất tiết của đường hô hấp của người bệnh bắn vào mắt, mũi hoặc miệng hoặc qua vết cắt trên da của người khác. Các giọt bắn này có thể gây vấy nhiễm môi trường chung quanh một thời gian nhất định (tùy theo mầm bệnh), những bề mặt như mặt bàn, nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại, tay vịn cầu thang...., từ đó một người khác có thể bị lây nhiễm thông qua bàn tay tiếp xúc với những vật dụng và bề mặt đã vấy nhiễm sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Những bệnh điển hình lây truyền theo kiểu này là những bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus như: Cúm thông thường, SARS, MERS CoV, 2019-nCoV....

Sự lây truyền do tạo khí dung (aerosol-generating procedures): Xảy ra trong quá trình làm các thủ thuật như: điều trị khí dung, đặt nội khí quản, thông khí không xâm lấn, mở khí quản, hồi sinh tim phổi, bóp bóng trước khi đặt ống nội khí quản, soi phế quản.... có thể làm phát tán mầm bệnh ra không khí trong môi trường chung quanh. Sự lây truyền kiểu này chỉ xảy ra ở các cơ sở y tế có làm những thủ thuật này, nguy cơ lây truyền theo kiểu này là rất cao, vì thế khi cán bộ y tế làm những thủ thuật phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh bị nhiễm và lây lan ra môi trường chung quanh.

Điều này cũng khẳng định là phương thức lây truyền qua cơ chế tạo khí dung (aerosol) không thể xảy ra trong cộng đồng đối với bệnh viêm đường hô hấp do 2019-nCoV hiện nay. Cơ chế lây truyền của nCoV hiện nay là lây truyền qua giọt bắn (Droplet). Vì thế biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng chủ yếu vẫn là: 1. Hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng ho, hắt hơi. 2. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông. 3. Tránh chạm tay chưa rửa vào mắt, mũi, miệng..

 

Từ sự phân biệt các kiểu lây truyền nêu trên, Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra các khuyến cáo đối với nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm 2019-nCoV như sau:

1. Phòng ngừa lây truyền qua tiếp xúc (Contact precautions):

Tất cả mọi người đi vào phòng bệnh nhân phải:

- Vệ sinh bàn tay trước khi vào phòng và khi ra khỏi phòng bệnh nhân;

 

Tất cả nhân viên chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân phải:

- Mặc áo choàng trước khi vào phòng và tháo áo choàng trước khi ra khỏi phòng bệnh nhân;

- Mang găng trước khi vào phòng và tháo găng trước khi ra khỏi phòng bệnh nhân;

* Chú ý: Không dùng cùng áo choàng và găng tay chăm sóc cho nhiều người.

- Sử dụng thiết bị chuyên dụng dùng một lần hoặc làm sạch và khử trùng

2. Phòng ngừa lây truyền qua giọt bắn (Droplet precautions)

Tất cả mọi người đi vào phòng bệnh nhân phải:

- Vệ sinh bàn tay trước khi vào phòng và khi rời khỏi phòng bệnh nhân;

- ­Đảm bảo mắt, mũi miệng được che chắn hoàn toàn trước khi vào phòng và tháo các phương tiện che chắn trước khi ra khỏi phòng.

    hoặc    

3. Phòng ngừa lây qua không khí (Airborne precautions)

Tất cả mọi người đi vào phòng bệnh nhân phải

- Vệ sinh tay trước khi đi vào và khi rời khỏi phòng bệnh nhân;

- Đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương cẩn thận trước khi vào phòng bệnh nhân và tháo khẩu trang ngay sau khi ra khỏi phòng và đóng cửa;

- Cửa phòng bệnh nhân phải luôn luôn được đóng kín.

 

 

 

 

 

Ngày 9/2/2020

Bác sĩ Trịnh Hữu Thọ

 

 

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang