
Đây là phiên bản đầu tiên của hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn và các chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn (IPC) để áp dụng khi nghi ngờ nhiễm một loại coronavirus mới (2019-nCoV). Hướng dẫn này đã được thông qua cơ quan phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn của WHO trong quá trình chăm sóc đối với trường hợp có thể nhiễm (probable case) coronavirus (MERS-CoV) hoặc đã được xác nhận (confirmed case), dựa trên kiến thức hiện tại về tình hình ở Trung Quốc và các quốc gia khác đối với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) -CoV và MERS-CoV. WHO sẽ cập nhật những khuyến nghị này khi có thông tin mới.
Hướng dẫn này áp dụng cho nhân viên y tế, các nhà quản lý y tế và các đội kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.
Nguyên tắc của chiến lược Kiểm soát nhiễm khuẩn áp dụng trong chăm sóc khi nghi ngờ nhiễm nCoV
Để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đối phó với đợt bùng phát dịch 2019-nCoV bằng cách sử dụng các chiến lược và thực hành được đề xuất trong tài liệu này, một chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn với đội ngũ chuyên trách được đào tạo hoặc ít nhất là đội kiểm soát nhiễm khuẩn phải được hỗ trợ bởi ban quản lý cấp quốc gia và các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở. Ở các quốc gia có hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hạn chế hoặc không có, điều quan trọng là phải bắt đầu bằng cách đảm bảo rằng ít nhất các yêu cầu tối thiểu cho kiểm soát nhiễm khuẩn được triển khai càng sớm càng tốt, cả ở cấp quốc gia và cấp cơ sở, và để dần dần đạt được hiệu quả đầy đủ cho tất cả các yêu cầu của các thành phần cốt yếu của kiểm soát nhiễm khuẩn theo kế hoạch ưu tiên của địa phương.
Các chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn để ngăn chặn hoặc hạn chế lây truyền trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe bao gồm:
1. Đảm bảo sàng lọc, phát hiện sớm, và kiểm soát nguồn lây (cách ly những ca nghi ngờ nhiễm nCoV);
2. Áp dụng phòng ngừa chuẩn cho tất cả bệnh nhân;
3. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung theo kinh nghiệm (cơ chế giọt bắn và tiếp xúc và bất cứ khi nào có thể thì áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong không khí) đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV;
4. Thực hiện kiểm soát hành chính;
5. Sử dụng các giải pháp kiểm soát môi trường và kỹ thuật.
1. Đảm bảo sàng lọc, phát hiện sớm, và kiểm soát nguồn lây
Sàng lọc lâm sàng bằng một hệ thống đánh giá tất cả bệnh nhân khi nhập viện để phát hiện sớm ca nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV và cách ly ngay lập tức ở một khu vực tách biệt với các bệnh nhân khác (kiểm soát nguồn lây). Để thuận tiện cho việc phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, các cơ sở y tế cần:
- Bố trí nhân viên y tế có kinh nghiệm lâm sàng;
- Bố trí bộ phận sàng lọc được trang bị đầy đủ phương tiện ngay tại phòng nhận bệnh và được hỗ trợ bởi đội ngũ đã được huấn luyện;
- Sử dụng bảng câu hỏi đã được cập nhật để sàng lọc phát hiện sớm;
- Có bảng cảnh báo dấu hiệu, triệu chứng bệnh tại nơi nhận bệnh.
Tăng cường vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp là những biện pháp phòng ngừa cần thiết.
2. Áp dụng biện pháp phòng ngừa chuẩn cho tất cả bệnh nhân
Các biện pháp phòng ngừa chuẩn bao gồm vệ sinh tay và hô hấp, sử dụng bộ phòng hộ (PPE) phù hợp theo đánh giá, thực hành an toàn tiêm chích, quản lý chất thải an toàn, sử dụng khăn trải giường đúng cách, vệ sinh môi trường và khử trùng thiết bị chăm sóc bệnh nhân.
Đảm bảo rằng các biện pháp vệ sinh hô hấp sau đây được áp dụng:
• Đảm bảo tất cả bệnh nhân che mũi và miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi;
• Cung cấp mặt nạ y tế cho bệnh nhân nghi nhiễm 2019-nCoV khi họ đang ở trong khu vực chờ / cộng đồng hoặc trong phòng có nhiều người;
• Thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.
Nhân viên y tế nên áp dụng phương pháp 5 tình huống Vệ sinh tay của WHO như trước khi chạm vào bệnh nhân, trước khi thực hiện bất kỳ quy trình sạch hoặc vô trùng nào, sau khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, sau khi chạm vào bệnh nhân và sau khi chạm vào vật dụng chung quanh bệnh nhân.
• Vệ sinh tay bao gồm rửa tay bằng chất chà tay chứa cồn hoặc bằng xà phòng và nước;
• Dung dịch chà tay có cồn có thể sử dụng khi tay không dính bẩn;
• Rửa tay bằng xà phòng và nước khi tay có dính bẩn.
Việc sử dụng bộ phòng hộ một cách hợp lý, đúng cách và nhất quán sẽ giúp giảm sự lây lan của mầm bệnh. Hiệu quả của việc sử dụng bộ phòng hộ phụ thuộc vào nguồn cung cấp đầy đủ và thường xuyên, nhân viên được huấn luyện đầy đủ, vệ sinh tay phù hợp.
Điều quan trọng là đảm bảo các quy trình làm sạch và khử trùng môi trường được tuân thủ một cách nhất quán và chính xác. Làm sạch hoàn toàn các bề mặt môi trường với nước và chất tẩy rửa, các chất khử trùng bệnh viện thường được sử dụng có hiệu quả là sodium hypochlorite. Thiết bị y tế và các thiết bị khác như giặt ủi, dụng cụ cung cấp thực phẩm và chất thải y tế nên được quản lý theo quy trình an toàn thông thường.
3. Triển khai các biện pháp phòng ngừa bổ sung
3.1 Biện pháp phòng ngừa lây qua giọt bắn (droplet precautions)
- Ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn, tất cả các cá nhân, bao gồm các thành viên gia đình, khách thăm viếng, nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc và giọt bắn trước khi đi vào phòng bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận là nhiễm nCoV;
- Bệnh nhân nên được chăm sóc trong phòng đơn có thông khí. Đối với các phòng chung nên có thông gió tự nhiên, thông gió đầy đủ được coi là 60 L / s trên mỗi bệnh nhân;
- Khi không có phòng đơn, bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm nCoV nên được nhóm lại với nhau;
- Các giường nên được đặt cách nhau ít nhất 1 m bất kỳ họ có nghi ngờ mắc bệnh hay không nhiễm nCov;
- Nếu có thể, một nhóm các nhân viên y tế nên được chỉ định chăm sóc riêng cho các trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác nhận để giảm nguy cơ lây truyền;
- Nhân viên y tế nên sử dụng mặt nạ y tế;
- Nhân viên y tế nên đeo kính bảo vệ mắt hoặc bảo vệ mặt (lá chắn mặt) để tránh vấy nhiễm chất tiết hô hấp của người bệnh;
- Nhân viên nên mặc áo choàng dài, không vô trùng và mang găng tay;
- Không cần sử dụng ủng, áo liền quần và tạp dề trong quá trình chăm sóc thông thường;
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, phải xử lý và thải bỏ đồ phòng hộ một cách an toàn và vệ sinh tay ngay sau đó;
- Cần có một bộ phòng hộ mới, khi cần chăm sóc cho bệnh nhân khác;
- Thiết bị phải là thiết bị sử dụng một lần hoặc chuyên dụng (ví dụ: ống nghe, máy đo huyết áp và nhiệt kế). Nếu thiết bị cần được sử dụng cho người khác phải sát khuẩn bằng cồn 70%;
- Nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc lên mắt, mũi hay miệng bằng tay không hay tay mang găng đã vấy nhiễm;
- Tránh vận chuyển bệnh nhân ra khỏi phòng hay khu vực của họ trừ những trường hợp vì lý do y khoa cần thiết. Nên sử dụng phương tiện chẩn đoán di động như x quang di động. Nếu cần vận chuyển, sử dụng các tuyến vận chuyển được xác định trước để giảm thiểu phơi nhiễm cho nhân viên, bệnh nhân và những người khác và đồng thời cho bệnh nhân sử dụng khẩu trang y tế;
- Đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế đang vận chuyển bệnh nhân phải thực hiện vệ sinh tay và mặc đồ phòng hộ thích hợp như được mô tả trong phần này;
- Thông báo cho khu vực tiếp nhận bệnh nhân về mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết càng sớm càng tốt trước khi bệnh nhân đến;
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bệnh nhân tiếp xúc;
- Giới hạn số lượng nhân viên y tế, thành viên gia đình và khách thăm viếng tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ và bệnh nhân được xác nhận nhiễm 2019-nCoV;
- Ghi nhận thông tin của tất cả những người vào phòng bệnh nhân, bao gồm tất cả nhân viên và khách thăm viếng.
3.2 Phòng ngừa lây qua không khí (Airborne precautions)
Một số thủ thuật tạo khí dung có liên quan đến việc tăng nguy cơ truyền coronavirus (SARS-CoV và MERS-CoV), như đặt nội khí quản, thông khí không xâm lấn, mở khí quản, hồi sức tim phổi, bóp bóng trước khi đặt ống nội khí quản và soi phế quản.
- Đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế thực hiện đúng các quy trình sau đây: Thực hiện các quy trình trong phòng có thông gió đầy đủ - nghĩa là thông gió tự nhiên với lưu lượng không khí ít nhất 160 L / s trên mỗi bệnh nhân hoặc trong phòng áp suất âm với ít nhất 12 lần thay đổi không khí mỗi giờ và điều khiển hướng luồng khí khi sử dụng máy thở;
- Sử dụng mặt nạ bảo vệ như mặt nạ được Viện bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động quốc gia Hoa Kỳ (NIOSH) chứng nhận như mặt nạ N95, tiêu chuẩn FFP2 của Liên minh châu Âu (EU), hoặc tương đương. Khi sử dụng mặt N95 dùng một lần, phải luôn luôn thực hiện kiểm tra còn nguyên vẹn trước khi dùng. Lưu ý rằng nếu người đeo có râu nhiều thì có thể không an toàn;
- Sử dụng bảo vệ mắt (tức là kính bảo hộ hoặc tấm chắn mặt);
- Mặc áo choàng sạch và găng tay dài, không vô trùng. Nếu áo choàng không có khả năng chống nước thì nên sử dụng tạp dề chống nước để tránh nước, dịch tiết nhiều có thể thấm xuyên qua áo choàng.
- Giới hạn số người cần thiết đủ để chăm sóc, phục vụ người bệnh.
4. Triển khai kiểm soát hành chính
Những vấn đề sau có thể không đề cập chi tiếp trong tài liệu này: Thiết lập cơ sở hạ tầng và hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả; hướng dẫn người chăm sóc; xây dựng các quy tắc về việc nhận biết sớm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng gây ra bởi 2019-nCoV; đảm bảo tiếp cận xét nghiệm nhanh để xác định tác nhân gây bệnh; dự phòng trường hợp quá tải, đặc biệt là trong khoa cấp cứu; cung cấp khu vực chờ dành riêng cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp; cách ly các bệnh nhân nhập viện phù hợp; đảm bảo cung cấp đủ phương tiện phòng hộ; đảm bảo tuân thủ các quy tắc và quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cho tất cả các hoạt động của chăm sóc y tế.
Việc triển khai hoạt động kiểm soát hành chính và các quy tắc phòng ngừa và kiểm soát lây truyền 2019-nCoV trong môi trường chăm sóc y tế bao gồm:
Các biện pháp hành chính liên quan đến nhân viên y tế
• Huấn luyện đầy đủ cho nhân viên y tế;
• Đảm bảo tỷ lệ bệnh nhân / nhân viên đầy đủ;
• Thiết lập một quy trình giám sát đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng gây ra bởi nCoV giữa các nhân viên y tế;
• Đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế và người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp cận chăm sóc y tế kịp thời;
• Giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế với các biện pháp phòng ngừa chuẩn và tiến hành các hoạt động để cải thiện khi cần thiết.
5. Thực hiện biện pháp kiểm soát môi trường và kỹ thuật
Các biện pháp kiểm soát này liên quan đến các cơ sở hạ tầng của cơ sở y tế. Các biện pháp kiểm soát này nhằm đảm bảo có đủ thông gió trong tất cả các khu vực trong cơ sở y tế, cũng như làm sạch môi trường thường xuyên.
Ngoài ra, cần duy trì cách ly không gian ít nhất 1 mét giữa tất cả các bệnh nhân. Cả hai việc tách biệt không gian và thông gió đầy đủ có thể giúp giảm sự lây lan của nhiều mầm bệnh trong môi trường chăm sóc y tế.
Đảm bảo rằng các quy trình làm sạch và khử trùng được tuân thủ một cách nhất quán và chính xác. Làm sạch bề mặt môi trường bằng chất tẩy rửa và áp dụng các chất khử trùng bệnh viện thường sử dụng (như sodium hypochlorite) là một quy trình hiệu quả và đầy đủ. Quản lý đồ giặt, dụng cụ phục vụ cung cấp thực phẩm và chất thải y tế theo quy trình an toàn thường quy.
Thời gian áp dụng biện pháp phòng ngừa lây qua giọt bắn và lây qua tiếp xúc đối với bệnh nhân nhiễm nCoV
Biện pháp phòng ngừa chuẩn nên được áp dụng mọi lúc. Biện pháp phòng ngừa bổ sung lây qua giọt bắn và qua tiếp xúc nên tiếp tục cho đến khi bệnh nhân không còn triệu chứng. Thông tin toàn diện hơn về chế độ lây nhiễm 2019-nCoV là cần thiết để xác định thời gian phòng ngừa bổ sung.
Thu thập và xử lý mẫu bệnh phẩm trong phòng xét nghiệm từ bệnh nhân nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV
Tất cả các mẫu được thu thập để điều tra được chuyển đến phòng xét nghiệm nên được coi là có khả năng lây nhiễm. Nhân viên y tế thu thập, xử lý hoặc vận chuyển bất kỳ mẫu bệnh phẩm lâm sàng nào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa chuẩn và thực hành an toàn sinh học sau đây để giảm thiểu khả năng tiếp xúc với mầm bệnh.
- Đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế thu thập mẫu bệnh phẩm sử dụng phương tiện phòng hộ thích hợp (nghĩa là bảo vệ mắt, mặt nạ y tế, áo choàng dài tay, găng tay). Nếu mẫu được thu thập với quy trình tạo khí dung, nhân viên phải đeo mặt nạ bảo vệ như N95 được chứng nhận NIOSH, FFP2 tiêu chuẩn EU hoặc tương đương;
- Đảm bảo rằng tất cả nhân viên vận chuyển mẫu được đào tạo về thực hành xử lý an toàn và quy trình khử nhiễm;
- Đặt mẫu bệnh phẩm để vận chuyển trong túi đựng mẫu chống rò rỉ (ví dụ, hộp đựng thứ cấp) có túi có thể bịt kín riêng cho mẫu thử (ví dụ, túi đựng mẫu vật sinh học bằng nhựa), có ghi tên và thông tin của bệnh nhân trên hộp đựng mẫu bệnh phẩm và một phiếu chỉ định xét nghiệm có ghi chép rõ ràng;
- Đảm bảo rằng phòng xét nghiệm trong các cơ sở y tế tuân thủ các thực hành an toàn sinh học và yêu cầu vận chuyển phù hợp, tuỳ theo loại vi sinh được xử lý;
- Nên chuyển tất cả các mẫu bằng tay. KHÔNG sử dụng hệ thống ống khí nén để vận chuyển mẫu vật;
- Ghi lại rõ ràng tên bệnh nhân đầy đủ, ngày sinh và nghi ngờ nhiễm nCoV trên phiếu xét nghiệm. Thông báo cho phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt rằng mẫu bệnh phẩm đang được vận chuyển đến.
Khuyến cáo đối với bệnh nhân chăm sóc ngoại trú
Các nguyên tắc cơ bản của kiểm soát nhiễm khuẩn và biện pháp phòng ngừa chuẩn nên được áp dụng trong tất cả các cơ sở y tế, bao gồm chăm sóc ngoại trú và chăm sóc ban đầu. Đối với nhiễm 2019-nCoV, nên áp dụng các biện pháp sau:
- Sàng lọc và phát hiện sớm;
- Nhấn mạnh việc vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp và khẩu trang y tế được sử dụng cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp;
- Sử dụng một cách hợp lý các biện pháp phòng ngừa qua tiếp xúc và giọt bắn cho tất cả trường hợp nghi ngờ;
- Ưu tiên chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng;
- Khi bệnh nhân có triệu chứng nếu bắt buộc phải chờ đợi, đảm bảo họ phải có một khu vực chờ riêng;
- Giáo dục bệnh nhân và gia đình về việc nhận biết sớm các triệu chứng, các biện pháp phòng ngừa cơ bản và cơ sở y tế nào họ cần liên hệ.
Bs Trịnh Hữu Thọ
Ngày 5/2/2020
Lược dịch theo Tài liệu của Tổ chức y tế thế giới
Tham khảo: https://www.who.int/publications-detail/infection-prevention-and-control-during-health-care-when-novel-coronavirus-(ncov)-infection-is-suspected-20200125
|