Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Khám chữa bệnh

An Giang triển khai cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo tháp 3 tầng

03:09 27/08/2021

Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ta, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ trong đó có tỉnh An Giang. Chỉ tính riêng từ ngày 15/04/2021 đến nay (26/8/2021), tỉnh An Giang đã ghi nhận 1.765 trường hợp mắc, trong đó 71 trường hợp là nhập cảnh, 1.694 trường hợp trong tỉnh (gồm 615 trường hợp trong khu cách ly tập trung, 443 trong khu phong tỏa và 636 trường hợp trong cộng đồng). Đã có 13 trường hợp tử vong. Tỷ lệ chết/mắc là 0,62%, có 572 trường hợp đã khỏi bệnh, các trường hợp mắc ghi nhận tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19, đến thời điểm ngày 18/8/2021, tỉnh An Giang đã đánh giá mức độ nguy cơ rất cao (do có > 50% huyện có nguy cơ cao)

Trước tình hình trên, ngày 24 tháng 8 năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 526/KH-UBND để triển khai cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, nhằm thu nhận, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đảm bảo song song với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thông thường cho nhân dân. Bảo đảm nguyên tắc 4 tại chỗ, có sự điều phối tập trung để sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực sẵn có; Bảo đảm an toàn điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong.

Hiện nay công tác tiếp nhận bệnh nhân thu dung điều trị tại các địa phương đang rất phân tán, cụ thể như sau:

+ Tầng 1 có tất cả  870 giường bệnh, gồm 8 đơn vị;

+ Tầng 2 có tất cả  545 giường bệnh, gồm 10 đơn vị;

+ Tầng 3 có tất cả  130 giường bệnh, gồm 4 đơn vị.

Trong thời gian tới, dự báo số lượng bênh nhân sẽ tăng. Để đáp ứng tốt việc tiếp nhận và thu dung điều trị bệnh nhân, địa phương đã xác định mở rộng qui mô giường bệnh lên 3.000 giường ở 3 tầng, cụ thể như sau:

+ Tầng 1 có 2.200 giường bệnh, tiếp nhận điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng nhẹ. Gồm 13 đơn vị: (1) Khu cách ly (KCL) cụm phà Vàm Cống; (2) KCL Trường Trung học cơ sở Cần Đăng, huyện Châu Thành; (3) KCL Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện An Phú; (4) KCL Trường Quân sự tỉnh, huyện Thoại Sơn; (5) Trường Mẫu giáo Anh Đào, TP Châu Đốc; (6) KCL Trung tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn; (7) KCL phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn; (8) Trung đoàn bộ binh 892, huyện Thoại Sơn; (9) Trương trung cấp kinh tế kỹ thuật huyện Châu  Phú; (10) huyện Tân Châu, (11) huyện Chợ Mới, (12) huyện Tịnh Biên; (13) huyện Phú Tân.

+ Tầng 2: có 650 giường bệnh, tiếp nhận điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và trung bình. Gồm 6 đơn vị: (1) Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu; (2) Trung tâm y tế (TTYT) huyện Châu Thành; (3) TTYT huyện Châu Phú; (4) TTYT huyện An Phú; (5) Bệnh viện đa khoa Nhật Tân; (6) Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc.

+ Tầng 3: có 150 giường bệnh, tiếp nhận điều trị F0 không có triệu nặng và nguy kịch. Gồm 6 đơn vị: (1) Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung tâm An Giang; (2) BVĐK khu vực tỉnh; (3) BVĐK khu vực Tân Châu; Bệnh viện Sản nhi An Giang (4); (5) Bệnh viện Tim mạch An Giang.

Song song đó, công tác chuẩn bị nhân lực cũng được tiến hành: Mỗi Bệnh viện, Trung tâm Y tế dành ra ít nhất 1/3 nhân lực thành lập các nhóm dự bị điều trị. Nhóm tầng 3 bao gồm bác sĩ, điều dưỡng hồi sức và cấp cứu hoặc những nguời đã từng làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu. Nhóm tầng 2 gồm các bác sĩ, điều dưỡng Nội – Nhi, Truyền nhiễm. Nhóm tầng 1 gồm các bác sĩ, điều dưỡng thuộc chuyên khoa khác. Tổ chức biên chế:

+ Mỗi nhóm điều trị tầng 1 gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, chịu trách nhiệm điều trị, theo dõi 50-60 bệnh nhân. .

+ Mỗi nhóm điều trị tầng 2 gồm 3-4 bác sĩ và 6-8 điều dưỡng, chịu trách nhiệm cho 50-60 bệnh nhân thuộc tầng 2

+ Mỗi nhóm điều trị tầng 3 gồm 6-7 bác sĩ và 12-20 điều dưỡng, thành thạo về Hồi sức (có thể kèm 1-2 bác sĩ Chuyên khoa Hồi sức với 2-3 bác sĩ thuộc chuyên khoa gần như Nội chung, nội tim mạch, hô hấp, …).

Bên cạnh đó còn phải chuẩn bị thêm các trang thiết bị, thuốc điều trị, vật tư y tế như:  máy Xquang, máy đo SpO2 mini, cấp cơ số Enoxaparin, kháng sinh đường uống như Augmentin, Cefuroxime, Levofloxacin, Oresol và các thuốc cấp cứu thông thường, hệ thống oxy lỏng, máy thở, máy monitor, xét nghiệm định lượng D-dimer, CRP, Procalcitonin, ferritin, …

 Việc triển khai tháp điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng với qui mô 3.000 giường sẽ giúp tỉnh An Giang chủ động trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm tỉ lệ tử vong, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong đại dịch./.

 

BS. Văn Hiển Tài

                                                  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang