Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý cho người bệnh tim mạch

09:26 15/10/2018

Bệnh tim mạch xuất hiện âm thầm nhưng lại để lại những hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng. Vì thế, ngoài việc sử dụng thuốc và các can thiệp từ y tế, thì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phòng ngừa, điều trị và ngăn bệnh tiến triển hay tái phát.

Đầu tiên, chúng ta cùng rà soát lại các yếu tố nguy cơ quan trọng với bệnh động mạch vành – bệnh tim mạch phổ biến nhất hiện nay:

+ Người bị các bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao, bức xạ trị liệu ung thư… thường dễ bị xơ vữa động mạch và huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim.

+ Những người hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động có nguy cơ cao bị bệnh mạch vành.

+ Tuổi càng cao càng tăng nguy cơ tổn thương và thu hẹp lòng mạch.

+ Giới: nam thường có tỉ lệ mắc động mạch vành cao hơn nữ, nguy cơ của phụ nữ gia tăng sau khi mãn kinh.

+ Tình trạng thường xuyên stress, lười vận động… cũng là tác nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim gần hơn.

1. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tim mạch - Hạn chế ăn mặn

Bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm có vị mặn như nước chấm, mắm, cá khô, muối và cả mỳ chính (chứa natri) trong nấu nướng. Người bệnh tim chỉ nên ăn 5-10g muối một ngày bao gồm cả lượng gia vị nêm nếm. Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng.

- Tăng cường rau quả

Nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, Vitamin và các khoáng chất vi lượng. Nói chung loại thức ăn này thường chỉ có lợi chứ không hại gì đối với cơ thể. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

- Kiểm soát chất béo

Lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh tim chỉ nên chiếm 20-30% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Việc ăn quá nhiều chất béo, đặc biệt là từ động vật, sẽ làm tăng lượng Cholesterol trong máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khiến lòng động mạch vốn hẹp do xơ vữa dễ dàng bít tắc dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Các chuyên gia khuyên nên sử dụng dầu thực vật thay thế mỡ động vật, hạn chế các món chiên xào, tăng cường các món luộc, hấp.

- Uống thêm sữa (tốt nhất là nguyên chất không đường)

Sữa là một trong những nguồn dinh dưỡng giàu dưỡng chất, cân bằng và lành mạnh với người bệnh tim, người có nguy cơ tim mạch. Các chất đạm trong sữa có giá trị sinh học cao, chứa nhiều acid amin cần thiết. Một số sản phẩm bổ sung các acid béo, Omega 3, Omega 6 giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể, phòng xơ vữa động mạch, tốt cho tim mạch và huyết áp, xây dựng và bảo vệ hệ thần kinh.

- Từ bỏ thuốc lá

Thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Y học đã chứng minh thuốc lá ảnh hưởng rất xấu tới huyết áp, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến, suy tim… dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề. Nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch. Với những người có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh tim mạch cũng nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt để ngăn bệnh tiến triển.

- Uống nước vừa đủ

Người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt. Trường hợp nặng, cần có hướng dẫn chi tiết của bác sĩ, điều chỉnh chính xác lượng uống theo tiến triển bệnh.

 2. Hoạt động thể lực ở bệnh nhân tim mạch

Những hoạt động thể lực làm cho các mạch máu trở nên mềm mại, đàn hồi, dẻo dai hơn giúp cho việc đưa máu về tim nhanh chóng và đều đặn hơn, đẩy máu nhiều hơn đến các cơ quan quan trọng như não, phổi, thận, gan,…

Tuy nhiên, khi hoạt động thể lực nên chú ý những điểm sau đây:

– Tập vừa sức mình, vừa sức chịu đựng của hệ tim mạch. Nghĩa là khi thấy mệt, khó thở, hoặc đau ngực thì nên ngừng.

– Nhưng cũng không nên tập quá ít, quá nhẹ. Một cách rất tốt để xem tập đã “đủ liều” chưa là đeo đồng hồ để đếm mạch ở cổ tay. Với người 40 tuổi, tập đến khi mạch lên tới 120 là vừa sức, người 50 tuổi tập đến 110, người 60 tuổi đến 100 lần trong một phút. Đối với người trên 60 tuổi có thể đếm mạch trước khi tập là được, không sợ bị quá sức. Tập dưới mức đó thì ích lợi không nhiều.

– Phải tập đều đặn. Tập hàng ngày là tốt nhất, nếu không cũng phải tập ít nhất mỗi tuần 3 lần, mỗi lần khoảng 30 – 40 phút.

Sau đây là một số môn thể thao khuyến khích:

+ Đi bộ: muốn đạt lợi ích thật sự cho tim mạch thì nên đi hơi nhanh, hơi rảo bước để cho tim mạch nhanh lên. Sau đó thong thả đi chậm. Nếu thấy ra chút mồ hôi và hơi thở gấp một chút là tốt. Có thể đi bộ nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày 30 – 60 phút.

+ Chạy: là cách tập luyện rất tốt cho người tăng huyết áp và tim mạch. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần lên vừa, khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi ngừng hẳn. Những buổi tập đầu tiên nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc người yếu thì vài chục mét cũng được, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên đến vài kilomet. Không được chạy đua.

+ Bơi: là một môn thể thao rất thích hợp, với điều kiện là bơi thư thả nhẹ nhàng, không bơi nhanh và lặn vì có nín thở rất nguy hiểm cho tim mạch và huyết áp.

+ Bóng bàn, cầu lông: là những môn thể thao nhẹ rất an toàn. Chơi tùy sức, đừng cố gắng.

BS. Nguyễn Văn Phúc

Khoa Nội - Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới

 

Văn phòng Sở Y tế tỉnh An Giang