Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Y ĐỨC NGÀY NAY

09:17 22/02/2019

Làm bất cứ nghề gì cũng cần đến lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề, nhưng với đặc thù của ngành y thì người hành nghề cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp mà xã hội thường gọi là y đức.

Đặc thù lao động của ngành Y liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người, là ngành nhân đạo (thầy thuốc), vì vậy đòi hỏi người cán bộ y tế phải tinh thông nghề nghiệp và phải có lương tâm nghề nghiệp.

Lao động ngành Y là loại lao động đặc thù, gắn với trách nhiệm cao trước sức khoẻ của con người và tính mạng của người bệnh; là lao động sức khẩn trương giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu tính mạng người bệnh; là lao động liên tục cả ngày đêm, diễn ra trong điều kiện không phù hợp của quy luật sinh lý con người làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ nhân viên y tế: trực đêm, ngủ ngày và ngược lại.

Lao động y tế thường diễn ra trong môi trường không thuận lợi, không phù hợp với tâm lý con người: tiếp xúc với người bệnh đau đớn, bệnh tật, độc hại, lây nhiễm, hoá chất, chất thải môi trường bệnh viện; là lao động nặng nhọc nguy hiểm: đứng mổ nhiều tiếng đồng hồ, tiếp xúc với tác nhân gây bệnh lây: lao, phong, HIV/ AIDS…

Là loại lao động luôn tiếp xúc với những người có sức khỏe về thể chất và tinh thần không bình thường: người bệnh là người có tổn thương về thể chất và tinh thần, họ luôn lo lắng bức xúc với tình trạng bệnh tật của mình. Cho nên họ buồn phiền, cáu gắt, dễ có phản ứng phức tạp, nếu như trình độ nhận thức hiểu biết chưa tốt, thiếu giáo dục, thiếu bản lĩnh thì họ sẽ có những hành vi không đúng mực với thầy thuốc (những người đang tìm cách cứu sống họ). Khi trong gia đình có người bị bệnh cả nhà lo lắng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, đôi lúc họ yêu cầu người thầy thuốc và bệnh viện quá mức trong lúc đáp ứng của bệnh viện không có thể, họ coi trách nhiệm của bệnh viện là phải đáp ứng nhu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là phải hợp tác với bệnh viện để tìm mọi cách tốt nhất điều trị người bệnh. Do đó dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa thầy thuốc và người bệnh. Thái độ hành vi không đúng của người bệnh và người nhà người bệnh đôi khi càng làm cho người thầy thuốc căng thẳng, chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội.

Vì vậy đối với ngành Y, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải phấn đấu thật nhiều, nâng cao hơn nữa sức chịu đựng để bình tĩnh trong mọi tình huống, nhất là những tình huống nhạy cảm để tìm giải pháp tốt nhất đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, thỏa mãn thân nhân người bệnh. Đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn, bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện về y đức và kỹ năng giao tiếp.

Đối với người bệnh và người dân: cần tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về chế độ chính sách xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi và nghĩa vụ, để người dân thông cảm và hợp tác với nhân viên y tế khi tham gia khám chữa bệnh, tránh những bức xúc quá đáng. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, nhất là lực lượng công an tạo môi trường an toàn để chúng tôi có thể an tâm phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, cho sự phát triển đi lên của toàn xã hội.

Dù ở đâu, và ở giai đoạn nào thì nghề Y vẫn luôn là một nghề hết sức đặc biệt, mỗi cán bộ y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, để xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội và giữ mãi hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc. Ngày nay, trước những thách thức của cuộc sống, bệnh tật ngày càng nhiều, xã hội cần sự tận tình, chia sẽ nhiều hơn nữa của đội ngũ y bác sĩ để nâng cao vấn đề y đức và chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Có như vậy chúng ta mới thấm nhuần câu nói của Hải Thượng Lãn Ông “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề Y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”.

BS.CKI Hồ Quốc Phong

Khoa CSSKSS – TTYT huyện An Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang