Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngộ độc Khoai mỳ, những điều cần biết để phòng tránh

10:36 26/04/2019

Cây khoai mỳ (ở miền Bắc hay gọi là cây sắn ) là loại cây được trồng và sử dụng khá phổ biến ở nhiều nơi. Nó được xem là loài cây cứu đói ở các nước đang phát triển trong thời kỳ khó khăn. Sau này cây khoai mỳ còn trở thành cây công nghiệp quan trọng.

1. Công dụng:

- Làm thực phẩm cho con người: chủ yếu từ củ khoai mỳ, luộc hoặc hấp trực tiếp để ăn hoặc mài nhuyễn thành bột để chế biến các loại bánh, nước giải khát. Người ta còn dùng lá và đọt non của cây khoai mì dùng làm rau.

- Dùng làm thức ăn gia súc

- Dùng trong công nghiệp (chủ yếu là tinh bột khoai mỳ).

- Là cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học: sản xuất nhiên liệu ethanol .

- Một số bộ phận cây khoai mì được dùng làm thuốc: lá, chất gluten trong tinh bột của khoai mỳ.

2. Ngộ độc khoai mỳ:

- Trong lá và củ khoai mỳ ngoài các chất dinh dưỡng chúng còn chứa một lượng độc tố đáng kể. Độc tố đó là acid cyanhydric (HCN). Hàm lượng HCN trong khoai mỳ rất khác nhau phụ thuộc vào giống (giống khoai mỳ đắng, cao sản chứa HCN cao hơn giống khoai mỳ ngọt), vị trí thành phần của cây khoai mỳ (HCN có nhiều ở vỏ củ, lõi củ, ở lá cao hơn củ 3 - 5 lần), điều kiện đất đai, chế độ canh tác và thời gian thu hoạch…

- Khi hàm lượng HCN cao trong thức ăn chế biến từ khoai mỳ vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc thực phẩm. Liều gây độc cho một người lớn là 20 mg HCN, liều gây chết người là 50 mg HCN cho mỗi 50 kg thể trọng.

- Cơ chế gây độc của HCN là do tác động lên chuỗi hô hấp tế bào, gây tình trạng thiếu oxy cho tế bào và ngăn cản tế bào sử dụng oxy theo con đường ái khí, gây thiếu oxy và toan chuyển hóa nặng. Hấp thu của HCN vào máu rất nhanh nên chỉ trong thời gian ngắn (1 - 3 giờ) là có khả năng biểu hiện ngộ độc.

- Các triệu chứng của ngộ độc khoai mỳ:

Các triệu chứng của nhiễm độc HCN: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và ỉa chảy; ù tai, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi chân tay, đi không vững, có thể biểu hiện nặng hơn là co giật, hôn mê; khó thở, suy hô hấp cấp, biểu hiện xanh tím, giảm huyết áp, tăng nhịp tim.... Trong một số trường hợp, nếu bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong vòng một hoặc hai giờ.

3. Các biện pháp phòng tránh ngộ độc từ khoai mỳ:

- Củ khoai mỳ phải được lột bỏ vỏ, cắt bỏ phần đầu và đuôi vì những phần này chứa nhiều độc chất. Ngâm trong nước qua đêm, luộc với nhiều nước và mở nắp nồi khi luộc. Mục đích là để độc tố tan theo nước và bốc hơi theo hơi nước.

- Không ăn đọt khoai mỳ thuộc giống cao sản, khoai mỳ lâu năm, khoai mỳ có vị đắng. Những loại này chứa rất nhiều độc chất.

- Khi ăn lá khoai mỳ nên luộc lâu, mở nấp, không nên ăn lá khoai mỳ xào hay hấp vì lượng độc tố còn nhiều trong lá có thể gây ngộ độc.

- Không nên cho trẻ em ăn nhiều khoai mỳ.

- Không nên ăn khoai mỳ sống, nguyên củ nướng hoặc chiên vì độc chất còn nguyên chưa bị khử.

- Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện ngộ độc khoai mỳ cần phải nhanh chóng loại trừ tác nhân gây ngộ độc bằng cách gây nôn chủ động khi bệnh nhân đến sớm trước 30 phút sau ăn và khi bệnh nhân tỉnh. Cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là đường Glucosa 30 – 50%) và chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.

Phan Thị Ngọc Bích – Khoa ATTP, TTYT huyện Thoại Sơn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang