Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Vai trò của nước sạch đối với con người và một số giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân

09:18 26/03/2019

Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn,... Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày.

Nước sạch là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.

Ô nhiễm nước là sự biến đổi các thành phần của nước khác biệt với trạng thái ban đầu. Đó là sự biến đổi các chất lý, hóa, sinh vật và sự có mặt của chúng trong nước làm cho nước trở nên độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người do uống nước trực tiếp, sử dụng nước để sinh hoạt vệ sinh cá nhân hàng ngày.

Các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước thường thấy gồm: Do ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước (chất độc hóa học, sự đốt cháy nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, bệnh viện, sử dụng hóa chất trừ sâu trong nông nghiệp…); Do nhiễm độc hóa chất vào nguồn nước trong quá trình sử dụng: như kim loại nặng (Chì (Pb), Đồng (Cu), Thạch tín (As), các chất phóng xạ, các chất gây ung thư vượt nồng độ tiêu chuẩn cho phép; Do vi sinh vật: 80% các bệnh nhiễm trùng liên quan đến nước (đặc biệt là các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột) ở các nước đang phát triển, khó khống chế và thanh toán như: các bệnh do virus, giun sán, côn trùng liên quan đến nước, các bệnh ngoài da, mắt… do dùng nước bẩn trong chế biến thực phẩm, ăn uống, vệ sinh cá nhân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực cung cấp nước sạch nhằm bảo vệ, cải thiện đời sống, sức khỏe của người dân. Theo số liệu thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã có trên 90% dân số được sử dụng nước sạch với khoảng 190 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt cho người dân do Công ty Điện nước, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nồng thôn và tư nhân quản lý. Qua kiểm tra, giám sát hầu hết các cơ sở này có chất lượng nước đạt theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có một vài cơ sở có một số chỉ tiêu không đạt như: độ đục, Coliforms. Qua đó, các cơ quan chức năng đã đề nghị chủ cơ sở khắc phục ngay các sự cố để đảm bảo cung cấp nước an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.        

Đảm bảo việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe con người. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch và bản thân mỗi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt hãy trân trọng và bảo vệ nguồn sống của chính mình.

Một số giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch:  

- Các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho nhân dân; Ổn định việc cung cấp nước sạch trên mạng lưới hiện có và sử dụng các nguồn lực để tăng cường chống thất thoát, thất thu; Rà soát, phát hiện nguyên nhân gây ra thất thu, thất thoát nước sạch để đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục, quản lý cụ thể, phù hợp.

 - Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng nước của các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho người dân các biện pháp giữ sạch nguồn nước (không vứt rác bừa bãi, không phóng uế bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn, hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước); tiết kiệm nước sạch (giảm lãng phí khi sử dụng nước khi sinh hoạt như nước dội vào nhà vệ sinh, tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…) và thông tin phản ánh cho các cơ quan chức năng khi phát hiện nước cấp của các cơ sở không đảm bảo vệ sinh.

Ks. Nguyễn Thị Vững Vàng-TTYTDP An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang