Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng, chống 3 loại bệnh gia tăng vào mùa Đông Xuân

10:23 10/10/2018

3 loại bệnh có nguy cơ cao lây lan ngoài cộng đồng và thường gặp trong mùa Đông Xuân là sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Các bệnh này đang ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và có xu hướng gia tăng.

 

Ảnh họp báo.

Chiều 9/10, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cách chăm sóc và điều trị bệnh nhân ngay tại nhà.  

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phía Nam. Có một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, số ca mắc chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, chiếm 77,6%; miền Bắc chiếm 10,6%; miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%. Đặc biệt, số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).

Ông Đặng Quang Tấn lưu ý, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới, do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng sẽ gia tăng nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp dự phòng như rửa tay bằng xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh, lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập...

Đối với bệnh sởi, ông Đặng Quang Tấn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, trên thế giới ghi nhận 250.677 trường hợp mắc sởi tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng là do tỷ lệ bảo phủ vaccine sởi không đạt tại nhiều nước.

Tại Việt Nam, tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính, ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.

Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). Trong số này, có 399 trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng và không rõ tiền sử tiêm chủng.

Đại diện Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.

Đối với sốt xuất huyết Dengue, bệnh đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Bệnh có tính chất chu kỳ bùng phát   4 - 5năm/lần, dịch thường gia tăng vào mùa mưa, miền Bắc vào khoảng tháng 4 đến tháng 10, miền Nam vào khoảng tháng 4 đến tháng 11, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 100 nghìn trường hợp mắc, có khoảng 100 trường hợp tử vong.

Tích luỹ 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong tại: Bình Dương (2), Đồng Nai (2), Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và TPHCM.

Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các địa phương. Thời điểm bắt đầu từ mùa mưa (từ tháng 5- tháng 11) ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine chưa được sử dụng tại Việt Nam.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Bộ Y tế luôn minh bạch thông tin để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả. Với bệnh tay chân miệng, vấn đề quan trọng là vệ sinh cá nhân, với dịch sởi phải tiêm phòng vaccine và với bệnh sốt xuất huyết phải vệ sinh môi trường khô thoáng, diệt bọ gậy, loăng quoăng.

“Đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh không phải quá phức tạp. Nhưng vấn đề là phải tuyên truyền để người dân tham gia phòng bệnh, vì tiêm phòng rẻ hơn rất nhiều nếu để mắc bệnh, bởi một ca biến chứng nặng phải thở máy thì chi phí điều trị có thể lên đến khoảng nửa tỷ đồng”, ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Thúy Hà

 

baochinhphu.vn