Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TỈNH AN GIANG SAU 01 NĂM THỰC HIỆN TRUNG TÂM Y TẾ 02 CHỨC NĂNG CẤP HUYỆN

09:43 17/01/2019

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập đe dọa đến sức khỏe của nhân dân. Ngành Y tế An Giang đã có nhiều cố gắng nhằm ổn định tổ chức và hoạt động tại y tế cấp huyện, xã vừa phải tham mưu tích cực với cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ban ngành đoàn thể các địa phương, tranh thủ hỗ trợ tích cực về hậu cần, kinh phí, huy động lực lượng... thực hiện các biện pháp chống dịch tích cực, quyết liệt và có hiệu quả trong toàn tỉnh, nhằm khống chế kịp thời không để dịch lan rộng.

Năm 2018, hoạt động phòng chống dịch bệnh trong tỉnh chịu tác động khách quan như:

- Năm đầu tiên thực hiện sát nhập bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế cấp huyện (trừ thị xã Tân Châu) thành trung tâm y tế huyện, thị, thành 2 chức năng;

- Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thay đổi bất thường, một số dịch bệnh nguy hiểm khác đã xảy ra ở một số nước trong khu vực và trên thế giới: cúm A(H5N1), cúm A(H5N8), cúm A(H7N9), Mer-CoV... đồng thời các dịch bệnh khác như: Bạch hầu, liên cầu lợn, viêm não nhật bản B, sởi... .. nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh nhà và đặc biệt dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng là một thách thức.

- Cụ thể các yếu tố nguy cơ luôn hiện diện và đe dọa tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát:

 Cúm A(H5N1), cúm A (H5N8), cúm A(H7N9), Mer-CoV: Giao lưu vùng có dịch biên giới, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, người nhập cảnh từ vùng có dịch;

 Các bệnh trong tiêm chủng mở rộng như Bạch hầu, Sởi, VNNB B, Viêm gan: Tỷ lệ tiêm chủng thấp tại tại các xã vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống, tỷ lệ bệnh lưu hành cao, tỷ lệ tiêm trẻ sơ sinh thấp và gián đoạn tiêm;

 Bệnh đường tiêu hóa như Tả, thương hàn, tiêu chảy: Quản lý nước sinh hoạt, phân chưa tốt, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tập quán ăn, uống mất vệ sinh của một số bộ phận dân cư;

 Dịch SXH: Tích trữ nước sinh hoạt, mưa nhiều, nhiệt độ tăng, đô thị hóa mạnh tạo các ổ bọ gậy nguồn, chủ quan, thờ ơ của cộng đồng, di cư nhiều, vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại;

 Dịch TCM: Mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong cộng đồng, thói quen rửa tay hợp vệ sinh thấp, tỷ lệ người lớn, người chăm sóc trẻ mang trùng cao.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập đe dọa đến sức khỏe của nhân dân. Ngành Y tế An Giang đã có nhiều cố gắng nhằm ổn định tổ chức và hoạt động tại y tế cấp huyện, xã vừa phải tham mưu tích cực với cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ban ngành đoàn thể các địa phương, tranh thủ hỗ trợ tích cực về hậu cần, kinh phí, huy động lực lượng... thực hiện các biện pháp chống dịch tích cực, quyết liệt và có hiệu quả trong toàn tỉnh, nhằm khống chế kịp thời không để dịch lan rộng, cụ thể:

- Tổ chức và chỉ đạo: Cập nhật kịp thời, thực hiện đúng nội dung chỉ đạo các văn bản của cấp trên và của địa phương có liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh. Ngành đã chủ động tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động PCD từ đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương bắt tay ngay vào thực hiện sớm công tác phòng chống dịch tại cơ sở, tổ chức củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo PCD bệnh cấp huyện, xã;

- Hoạt động giám sát hỗ trợ: Ban điều hành PCD tỉnh đã tiến hành giám sát chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch SXH, TCM, TCMR tại các huyện, xã. Qua giám sát đã phát hiện những hạn chế, tồn tại đồng thời chỉ đạo, nhắc nhỡ, hướng dẫn các địa phương phải tích cực trong công tác chỉ đạo, phối hợp huy động lực lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, chiến dịch vệ sinh môi trường, tăng cường truyền thông cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đầu tư kinh phí hỗ trợ (Đã tranh thủ UBND cấp huyện và xã hỗ trợ thêm kinh phí cho hoạt động xử lý ca SXH, TCM tản phát và vệ sinh môi trường DLQ);

- Ứng dụng và thực hiện tốt việc giám sát phát hiện ca bệnh từ phần mềm 54 thường xuyên và liên tục tại các cơ sở điều trị giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị sớm bệnh nhân, góp phần làm giảm tử vong, đồng thời hỗ trợ công tác xử lý ổ dịch kịp thời. Trong năm, đã tiến hành xử lý 100% ổ dịch SXH và ổ dịch TCM. Duy trì tốt chế độ thông tin, liên lạc giữa tỉnh, huyện, xã về tình hình và diễn biến của dịch bệnh;

- Duy trì giám sát huyết thanh để phát hiện sự biến đổi của các týp vi rút  hỗ trợ cho công tác dự báo tình hình và chuẩn bị tư thế chống dịch. Kết quả tỷ lệ Mac Eliza dương tính 25,4% và phân lập vi rút 21,5% (đa số là Den2, thay đổi so với 2017 là Den1 và Den4). Thực hiện công tác giám sát véc tơ truyền bệnh SXH  định kỳ hàng tháng phát hiện chỉ số mật độ muỗi dao động trong khoảng từ 0,36-1,13; Chỉ số BI > 30 ở các tháng, cao nhất vào tháng 06 (BI=96) tại điểm Long Xuyên. Thể hiện sự chậm thay đổi hành trong công tác vệ sinh môi trường DLQ tại hộ gia đình của cộng đồng;

- Tổ chức xử lý 1176 ổ dịch SXH, tỉnh giám sát 409 ổ dịch, đạt chất lượng 88,7% và 434 ổ dịch TCM, tỉnh giám sát 123 ổ dịch đạt chất lượng 95%. Xử dụng khoảng 1000 lít hóa chất để phun diệt muỗi và khoảng 1420 kg Cloramin B để phun sát khuẩn bề mặt. Ngoài ra còn tổ chức 21 đợt phun hóa chất chống dịch SXH trên qui mô diện rộng tại 4 huyện: LX, CM, PT và TB, bảo vệ cho 79.628 lượt người.

- Tổ chức thực hiện 03 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng  phòng chống SXH, đạt kết quả 87,9% (80/91xã đạt chỉ số BI<20). Các địa phương như: Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân, An Phú đã chủ động xin kinh phí của UBND huyện tổ chức thực hiện thêm từ 2-4 đợt CDDLQ tại các ấp nguy cơ, riêng Chợ Mới thực hiện CDDLQ hàng tháng, đến nay huyện đã thực hiện 10 đợt trong năm.

- Trong tháng 6/2018 các địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông hường ứng ngày ASEAN phòng chống SXH (Ngày 15/6): treo 212 cái băng rôn tại trung tâm y tế, trạm y tế và tại các ấp, thực hiện 2.319 lượt phát thanh cộng đồng, tổ chức 307 buổi sinh hoạt nhóm với sự tham gia của 6.653 người dự, in ấn và cấp phát 33.626 tờ  rơi. Tổng hợp tình hình dịch bệnh trong tỉnh: thương hàn 149 ca, tiêu chảy 5143 ca, TCM 2261 ca, SXH 3868 ca, thủy đậu-Zona 192 ca, sởi 1 ca, SPB nghi sởi 53 ca, quai bị 194 ca, rubella 1 ca.

Qua kết quả đã thực hiện trong năm 2018, hoạt động phòng chống dịch bệnh tỉnh An Giang đã rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:

1. Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể tại từng địa phương. Có sự quyết tâm và đồng thuận của TTYT các huyện thị thành phố, vai trò và hiệu quả hoạt động của BCĐ phòng chống dịch bệnh nguy hiễm trên người từ tỉnh, huyện, xã;

2. Phát huy hiệu quả công tác giám sát và phát hiện ca bệnh theo phần mềm 54, hỗ trợ cho công tác xử lý ổ dịch sớm tại cộng đồng, khống chế không để dịch lan rộng. Thực hiện tốt việc phát hiện và chẩn đoán sớm vừa giúp cho việc nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong;

3. Chất lượng, hiệu quả của các biện pháp kỷ thuật: xử lý ổ dịch tại trường học và cộng đồng, chiến dịch DLQ dựa vào cộng đồng, phun hóa chất dập dịch trên qui mô diện rộng, giám sát lại ổ dịch... được nâng lên;

4. Hoạt động giám sát huyết thanh, giám sát vi rút trên bệnh nhân cũng như công tác điều tra véc tơ truyền bệnh tại cộng đồng nhằm hỗ trợ cho công tác dự báo, xây dựng kế hoạch và tổ chức chống dịch đạt hiệu quả;

5. Hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng với nhiều nội dung và hình thức phù hợp, ưu tiên vùng sâu, vùng xa... nhằm nhanh chóng làm thay đổi hành vi tích cực của cộng đồng trong tự chủ thực hiện các biện pháp tự phòng bệnh tại hộ gia đình và cộng đồng xung quanh;

6. Chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và vật lực (hóa chất, vật tư, máy móc, trang thiết bị, kinh phí...) sẵn sàng cho công tác đáp ứng với chống dịch.

Bs. CK1. Huỳnh Mộng Hùng

PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang