Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”

08:53 26/03/2019

Ngày 24/3 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là Ngày thế giới phòng chống lao, nhằm nâng cao kiến thức của người dân trong cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao trên toàn cầu. Kêu gọi các quốc gia tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV. Giúp bệnh nhân lao được tiếp cận sớm, sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao.

Bệnh lao vẫn là “Kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiểm nguy hiểm trên thế giới. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%.

Hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều người mắc và chết vì bệnh lao. Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 16 có số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Ngày 26 tháng 9 năm 2018 vừa qua, đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về chấm dứt bệnh lao. Tại đây, Việt Nam đã cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

An Giang, công tác chống lao đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, được chương trình chống Lao quốc gia đánh giá cao. Hằng năm, trong toàn tỉnh đã thu nhận điều trị hơn 4 ngàn bệnh nhân lao các thể với tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 92%. Đáng báo động là trên 1 trăm bệnh nhân lao kháng thuốc và trên 20 bệnh nhân lao tiền siêu kháng thuốc phát hiện hàng năm, nhưng tỷ lệ điều trị thành công chỉ đạt khoảng trên dưới 70%.

Khó khăn lớn của Chương trình chống lao An Giang, chưa phát hiện hết bệnh nhân lao trong cộng đồng đưa vào quản lý điều trị theo Chương trình chống lao Quốc gia, đây là một thách thức để thực hiện được “cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Cần có sự vào cuộc của mỗi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Để hạn chế tối đa tỷ lệ lây nhiễm lao trong cộng đồng, giảm thiểu tác hại của bệnh lao.Tổ chức truyền thông trong cộng đồng về phòng tránh, phát hiện, điều trị bệnh lao, qua các kênh truyền thông: phát thanh , truyền hình, cụm pano, áp phích, khẩu hiệu, treo băng roll, tờ rơi,… ý thức tiêm vác xin phòng lao BCG cho trẻ em dưới 1 tuổi; giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Năm 2019 với  chủ đề và một số biểu ngữ vận động truyền thông ngày thế giới chống lao, đã kêu gọi: “Hãy hành động vì một Việt nam không còn bệnh lao vào năm 2030"  vì một An Giang sống trong môi trường không còn bệnh Lao.

Khoa Lao - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang