Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

I-ỐT LÀ VI CHẤT DINH DƯỠNG THIẾT YẾU CHO MỌI NGƯỜI

01:22 07/11/2018

“Muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí tuệ và thể chất”. “ I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ”

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo, Việt Nam nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu I-ốt nghiêm trọng.

Kết quả điều tra năm 2005 cho thấy tỷ lệ trẻ 8-10 tuổi bị bướu cổ là dưới 5%; mức trung vị I-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10 mcg/dl; năm 2013-2014, gần 10% trẻ bị bướu cổ, mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl.

Chỉ 6 % số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt, 75 % sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh…

Hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt tỉnh An Giang

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tiến hành khảo sát đánh giá lại thực trạng thiếu I-ốt của tỉnh. So sánh tình hình thiếu I-ốt tại tỉnh An Giang có chiều hướng giảm rõ rệt qua từng năm.

Năm

Hộ dân dùng muối I-ốt đạt chất lượng phòng bệnh (%)

Hiểu biết về lợi ích muối I-ốt

(% hộ dân)

2005

80,7

93,4

2007

75,2

94,7

2009

58,4

86,7

2011

60,5

87,7

2015

56,0

85,0

Qua 10 năm liên tiếp tỉ lệ hộ dân dùng muối I-ốt đạt chất lượng phòng bệnh và sự hiểu biết lợi ích muối giảm dần; do vậy, việc tiếp tục duy trì và tăng cường sử dụng Muối I-ốt và các chế phẩm có Iốt, các loại thực phẩm giàu chất iốt hết sức cần thiết để làm giảm tình trạng thiếu I-ốt tại tỉnh An Giang.

1. Iốt và các rối loạn do thiếu I-ốt (CRLTI):

I-ốt là một vi chất tự nhiên cần thiết cho con người tham gia vào quá trình tổng hợp Thyroxin là một hormone tuyến giáp. Các hormon này giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng, thúc đẩy quá trình phát triển xương, não và hệ thần kinh của con người từ khi là bào thai, trong thời kỳ thơ ấu đến lúc trưởng thành. Như vậy, I-ốt cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần.

Thiếu I-ốt cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi. Trẻ em dễ bị bướu cổ hơn người lớn, đặc biệt là ở tuổi dậy thì vì lúc này, nhu cầu hormon tuyến giáp ở ngoại vi rất cao. Sự thiếu hụt I-ốt nặng và kéo dài ở giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ là hậu quả không thể khắc phục được.

Bướu cổ thường gặp ở nữ, nhất là ở tuổi dậy thì, khi có kinh, khi cho con bú vì lúc đó nhu cầu hormon tuyến giáp tăng và Estrogen ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hormon tuyến giáp.

2. Các rối loạn thiếu Iốt có thể tóm tắt như sau:

- Thai nhi: sẩy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, điếc bẩm sinh, lác mắt, đần độn...

- Trẻ sơ sinh: thiểu năng giáp sơ sinh;

- Trẻ em và vị thành niên: thiểu năng trí tuệ do thiếu I-ốt còn có trẻ có khả năng phát triển trí tuệ kém.

- Người lớn: tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormone tuyến yên nên phì to dần  (bướu cổ) và các biến chứng, cường giáp do i-ốt, giảm khả năng lao động;

- Tất cả các lứa tuổi: bướu cổ, suy giáp, chậm phát triển tinh thần, tăng nhạy cảm với bức xạ nguyên tử...

3. Cách phòng, chống CRLTI:

Do vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng bao gồm các loại thực phẩm giàu I-ốt và muối I-ốt là chìa khóa để có một sức khỏe tốt.

Phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt hoàn toàn có thể được bằng cách chúng ta bổ sung nhu cấu I-ốt đều đặn hàng ngày. Lượng I-ốt khuyến nghị hàng ngày như sau (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia):

- 1 – 6 tuổi: 90 mcg tương đương với 5 gam (bằng 01 muỗng cà phê muối I-ốt)

 

- 7 – 12 tuổi: 120 mcg

- Trên 13 tuổi: 150 mcg (bằng 1,5 muỗng cà phê muối I-ốt)

- Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú: 200 mcg, (bằng 02 muỗng cà phê muối I-ốt)

Ngoài việc sử dụng muối I-ốt hoặc các chế phẩm có I-ốt (bột canh I-ốt, nước mắm I-ốt...), muối biển, chúng ta còn có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất I-ốt như các loại hải sản (tôm, cua, cá, ốc, ghẹ…), rong biển, tảo biển, rau câu, các loại rau xanh đậm màu: Rau Bina (cải bó xôi = rau chân vịt), cải xoong, rau dền, rau đay, mồng tơi, khoai tây…, các loại trái cây tươi, thịt, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, chocolate, yaourt, phô mai, đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành... trong các bữa ăn hàng ngày.

 “Mọi gia đình đừng quên thường xuyên sử dụng muối và các chế phẩm có I-ốt để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe”

Vì tương lai của giống nòi toàn dân hãy sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày”.

Bs. Trần Huỳnh Nguyệt Ánh - TTYTDP tỉnh AG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang