Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Một chặng đường hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

07:43 17/01/2019

Kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 12-1990, đến nay công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã trải qua 28 năm.Trong cuộc chiến cam go chống lại căn bệnh thế kỷ, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Nước ta đã khống chế được tỷ lệ lây nhiễm HIV dưới 0,3% dân số.

Năm 2018, công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh như chương trình phân phát bao cao su và trao đổi bơm kim tiêm; chương trình trao đổi bơm kim tiêm đã được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố; chăm sóc, hỗ trợ và điều trị (bằng thuốc ARV) cho người nhiễm HIV không ngừng mở rộng. Từ 2 điểm điều trị năm 2003, đến tháng 5/2017, cả nước hiện có 401 phòng khám ngoại trú; trong đó có 271 phòng đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, chiếm 67,5% (trong đó có 151 phòng đã thanh toán bảo hiểm y tế) và 130 phòng khám chưa ký hợp đồng. Trước năm 2018, bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV phải phụ thuộc vào chỉ số CD4. Tuy nhiên, hiện nay người nhiễm được điều trí sớm ngay khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, thậm chí có thể điều trị trong ngày. Chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được mở rộng.

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban trực tuyến toàn quốc do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức ngày 24/8/2018 tại tỉnh Nghệ An; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm chủ trì đã nhận định “Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS”.

Tại hội nghị PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Trong 6 tháng đã phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV trong cả nước. So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện giảm khoảng 3%; số trường hợp AIDS giảm khoảng 27%. Để có được những thành tựu này, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, còn có sự tham gia, đóng góp không nhỏ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng.

Việt Nam hiện có 209.450 người nhiễm HIV còn sống và đến nay đã có hơn 94.000 người tử vong vì AIDS. Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 của Bộ Y tế ngày 19/1/2018. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, trong năm 2018, ngành Y tế xác định đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn trong dự phòng, can thiệp giảm tác hại và truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đặc biệt, tập trung xét nghiệm, tư vấn, phát hiện mới người nhiễm HIV nhằm sớm đạt mục tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình. Mở rộng nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị ARV, cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS qua bảo 8, khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị đảm bảo được BHYT thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là tại tuyến huyện, xã. Cung cấp dịch vụ điều trị qua BHYT ngay từ năm 2018, khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị đảm bảo được BHYT thanh toán.

Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cũng được đẩy mạnh thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm trong các cở sở y tế cả của nhà nước lẫn cơ sở y tế tư nhân với hơn 1,4 triệu người được tư vấn xét nghiệm. cụ thể ngày 24/4/2018 Bộ Y tế ban hành quyết định số 2674/QĐ-BYT về việc ban hành “hướng dẫn tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng”. Các hoạt động can thiệp và dự phòng lây nhiễm HIV vẫn được duy trì thông qua hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang chuẩn bị cho thí điểm điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine. Điều trị ARV cho khoảng 130.000 bệnh nhân HIV và mở rộng việc xét nghiệm tải lượng vi rút như xét nghiệm thường quy. Việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được các địa phương đẩy mạnh với tỷ lệ chung tại 63 tỉnh với khoảng 85% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế…

Tại An Giang, Tính đến ngày 31/8/2018 tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS/tử vong/lũy tích từ năm 1993 được phát hiện trong toàn tỉnh là 10.883 người nhiễm HIV, trong đó có 8.546 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 5.373 trường hợp tử vong. Trong 8 tháng năm 2018 toàn tỉnh mới phát hiện 185 bệnh nhân nhiễm HIV, 81 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và 59 bệnh nhân tử vong. Hiện nay, chương trình điều trị tiếp tục tăng cường công tác thu dung bệnh nhân tiếp cận điều trị ARV theo quyết định 5418/2017/QĐ-BYT, hiện đang điều trị cho 4.511 bệnh nhân trong đó có 247 trẻ em. Chương trình can thiệp giảm hại triển khai trên toàn tỉnh: chương trình Phân phát bao cao su, bơm kim tiêm được thực hiện bởi các Đồng đẳng viên, cộng tác viên, cán bộ y tế. Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện điều trị cho 457 người tại 3 cơ sở Châu Đốc, Long Xuyên, Tân Châu.

So cùng kỳ năm 2014 – 2018: Số ca nhiễm HIV, số ca chuyển sang AIDS và số ca tử vong mới phát hiện hàng năm giảm. Tỷ lệ người nhiễm HIV phát hiện trong 8 tháng năm 2018 phân bố ở nam giới (72%), nữ giới (28%); đường lây truyền HIV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục là 96,26%, lây truyền qua đường máu 2,14%, lây truyền từ mẹ sang con 1,07%.    

Chiều hướng nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao theo giám sát trọng điểm qua các năm có chiều hướng tăng trở lại vào năm 2017. Đặc biệt tỷ lệ nhiễm Giang mai và lậu trong nhóm PNBD và MSM tăng mạnh trong năm 2016. Trong nhóm PNMD tỷ lệ nhiễm Giang mai năm 2015 là 0%; năm 2016 là 4%; năm 2017 là 12,7%; Tỷ lệ mắc Lậu năm 2015 là 2,12%; năm 2016 là 6,66%; năm 2017 là 2,7%. Tỷ lệ mắc Giang mai nhóm MSM năm 2015 là 0,83%; năm 2016 là 2% và năm 2017 là 15%. Tỷ lệ mắc Giang mai nhóm NCMT năm 2015 là 1,69%; năm 2016 là 2% và năm 2017 là 8%.

Hiện tại, An Giang có 5.510 người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn. Trong đó có hơn 79% bệnh nhân hiện còn sống đang quản lý tại địa phương. Tập trung nhiều nhất tại Tp.Long Xuyên (786 ca) kế đến là huyện Châu Phú (587 ca), huyện Chợ Mới (488 ca).

Mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS cả nước nói chung và An Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn khi kinh phí từ ngân sách nhà nước và tổ chức phi chính phủ liên tục bị cắt giảm. Đặc biệt, chương trình can thiệp giảm hại, phụ cấp cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng thấp nên không khuyến khích được sự tham gia của nhóm này nhằm tiếp cận được với nhóm nguy cơ cao. Thuốc ARV không được tài trợ miễn phí, chính phủ phải đưa chương trình điều trị ARV vào thanh toán bảo hiểm y tế.

Để cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS thành công, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các cam kết chính trị khuyến khích thay đổi hành vi, phổ biến rộng rãi các thông tin về HIV, cần nâng cao việc thực thi khung pháp chế hiện hành, quyết liệt xử lý, giảm thiểu tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo mở rộng tiếp cận dự phòng, điều trị và chăm sóc về HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu. Mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV. Tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, những người nhiễm HIV vào các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời tiếp tục học hỏi và ứng dụng được những hỗ trợ về kỹ thuật, những mô hình thực hành tốt, những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS để tiến tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thu Thủy - Trung tâm phòng chống HIV/AIDS

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang