Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

GiÀ SINH HỌC - GiÀ HẠNH PHÚC

09:30 15/10/2018

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng, nếu năm 1960 tuổi đời của người Việt trung bình chỉ đạt 40 năm đến nay tuổi thọ của người Việt đã tăng lên 73,2. Dự báo, đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt sẽ tăng lên 80,4 tuổi. Điều này có nghĩa là 1 người ở tuổi 35 sẽ còn 5 năm sống nữa (nếu ở 1960), 38 năm sống nữa (2018) và quảng đời còn lại là 45 năm sống nữa vào năm 2050. Như thể nào là đến tuổi già?

Theo các cụ thì “thức dậy thấy lưng nhức mỏi, bước xuống giường một bên gối hơi đơ, nhìn vào gương soi thấy những vết nhăn nhúm. Đó là già”. Khi già, người ta thường nói “Hồi trẻ”, “Hồi trung niên” và “Hồi đó”. Tuy nhiên có nhiều người không chấp nhận nên nói “Dù tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già. Không muốn già”.

Già là gì? câu hỏi tưởng dễ mà hóa ra rất khó trả lời cho chính xác.

Hay người đi làm mà được cho về hưu thì con cháu thường gọi là già?

Có nhà thơ tự hỏi:” Đời ba mươi tuổi, xuân còn hết”. Xuân hết hay già hóa?

Khoa học thì nói có 2 loại tuổi để tính tuổi già: Tính theo tuổi về hưu - tuổi theo năm sinh và tuổi sinh học của cơ thể - tuổi thọ. Việt nam ta gọi chung đó là người cao tuổi.

Như vậy, cái nhìn về tuổi già có nhiều thay đổi nhưng mong muốn của chúng ta là làm sao để có một tuổi già hạnh phúc thì giống nhau. Để chuẩn bị cho tuổi già hạnh phúc chúng ta phải nhận biết các thay đổi của cơ thể khi về già và có kế hoach để xử lý các nỗi khổ của tuổi già.

1. Một số dấu hiệu báo là ta đã bắt đầu đi vào giai đoạn mùa Đông của cuộc đời.

- Thị giác: Vào tuổi 40, khả năng điều tiết của mắt để nhìn gần giảm đi một chút, nhưng chỉ vài chục năm sau thì khi muốn đọc một tờ báo, một cuốn sách, ta phải đưa sách báo ra xa hơn. Lý do là khi tuổi lên cao, nhãn cầu thay đổi độ cong, hình ảnh mờ đi. Đồng thời mắt cũng dễ nhậy cảm với ánh sáng chói lóa, kém phân biệt những vật di động và cần nhiều ánh sáng hơn để nhìn cho rõ.

- Thính giác: Người cao tuổi ,đặc biệt là ở quý lão ông, thường gặp khó khăn phân biệt âm thanh có tần số cao.

- Tim: Tim thường hơi lớn hơn một chút, cơ tim dầy lên. Lượng dưỡng khí tối đa mà cơ thể cần khi vận động sẽ giảm đi 10% cho mỗi 10 năm tuổi cao ở đàn ông, và 7.5% ở đàn bà. Tuy nhiên tim vẫn làm việc hữu hiệu và máu bơm ra ở mỗi nhịp tim co bóp vẫn bình thường.

- Thận: Khả năng bài tiết chất phế thải của thận giảm, sức chứa của bọng đái ít đi khiến người cao tuổi mót tiểu tiện nhiều hơn.

- Mỡ và cơ thịt: Với tuổi cao, sự phân phối của mỡ thay đổi vị trí.

 Bình thường, mỡ phân phối đều ở dưới lớp da.

Khi về già ,đàn ông có mỡ tập trung ở vùng bụng, đàn bà thì mỡ tập trung ở vùng hông và bắp đùi.

Khối lượng các bắp thịt nhỏ teo đi độ 20% từ tuổi 20 tới tuổi 70.

- Não bộ: Tế bào thần kinh não bị tiêu hủy một số lượng đáng kể khi tới tuổi 60, 70. Tuy nhiên các tế bào thần kinh khác mọc thêm ra các nhánh để bù đắp nhờ đó các chức năng của não không suy giảm mấy.

2. Khi bước vào tuổi gió heo mây chúng ta nên suy nghỉ khi về hưu.

Việt nam hiện nay đàn bà 55 tuổi, đàn ông 60 là nghỉ việc.  Từ cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người nghỉ hưu đồng nghĩa họ đều già. Về hưu là giảm thu nhập, khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt… ít có người nghỉ “đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân,dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó”. Khi chưa già ta nên có một kế hoạch về ngân sách và cuộc sống lúc về hưu.

3. Không phải già nào cũng như nhau: Sự hoá già của mỗi cá nhân rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gen, chủng tộc, giống tính, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, .... Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khoẻ mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.  Già hóa nam nữ cũng khác nhau dân gian gọi là tắt dục hay mãn kinh; nữ có tuổi thọ cao hơn nam. Nữ hay bị bệnh trầm kha như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương; nam thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim. Vì vậy không phải già nào cũng như nhau.

4. Già có gắn với yếu, cô độc không? Thường thường khi nói tới già là yếu. người già thường chống gậy, đi xe lăn, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, .. đâu còn sức lực gì. Tuy nhên các tổng kết cho thấy tám mươi phần trăm người cao tuổi đều có một sức khoẻ tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả.

Nhiều người cứ nghĩ là khi về già cô độc. Họ sẽ sống thu mình, không tranh đua, giảm bớt liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, đau nhức mình mẩy, huyết áp cao... Thêm vào đó, bạn cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.

Tuy nhiên tùy khả năng ứng phó của mỗi người mà chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được.

Người già nên tham gia những sinh hoạt chung của lối xóm; trao đổi thư tín, tin tức với bạn bè con cháu; tránh những ưu tư không cần thiết, làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực là được.

5. Già già vô dụng phải không? Cái quan niệm già vô dụng, có lẽ chỉ đúng khi người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân cần sức lực nhưng ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt nhiều người già vẫn làm việc tốt như giữ sổ sách, làm phước, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, đóng góp ý kiến, tham mưu, … rất đáng tin cậy. Tưởng già hết duyên, khô cạn tình dục, …. điều này cũng sai vì các tiến bộ y khoa đã có cách khắc phục đa số các vấn đề này.

Tóm lại Già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên không cần phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của trời đất, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. “Sống trường thọ, sống vui, sống có ích.”.

Bs Lê Minh Uy – PGĐ Trung tâm TT-GDSK tỉnh An Giang