Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hỏi đáp về bệnh Đái tháo đường

04:09 17/11/2020

HỎI: Xin cho biết bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) là gì?  hiện nay tỉ lệ mắc bệnh như thế nào?

Trả lời:

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc điểm là lượng đường trong máu của cơ thể luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Việc tăng lượng đường trong máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa làm tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Theo thống kê năm 2019  tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường toàn cầu ước tính là 9,3% (463 triệu người), sẽ tăng thêm 10,2% (578 triệu) vào năm 2030. (có thể nói) Đái tháo đường hiện nay được xem là đại dịch trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ở nhóm tuổi từ 20-79 tỷ lệ đái tháo đường là 5,7% , rối loạn dung nạp glucose (IGT) là 8,2%, trong đó 53,4% chưa được chẩn đoán. Mỗi năm ước tính cón hơn 30.096 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đái tháo đường và trung bình tốn khoảng 322,8 USD/ 01 người mắc đái tháo đường. Tổng chi phí để điều trị ĐTĐ chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế.

HỎI: Vậy nguyên nhân nào gây mắc bệnh ĐTĐ?

Trả lời:

Cho đến nay thì người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì có liên quan chủ yếu đến 2 yếu tố chính sau đây:

Thứ 1. Do các tế bào sản xuất Insulin ở tụy bị tấn công, phá hủy làm cho cơ thể chúng ta bị thiếu hụt, thậm chí là không có Insulin để giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng hoạt động. Người ta cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này do virus từ môi trường bên ngoài tấn công vào tuyến tụy, hay có thể do Hệ thống miễn dịch trong cơ thể tạo ra các kháng thể bất thường tấn công, phá hủy các tế bào sản xuất Insulin.

Thứ 2. Mặc dù cơ thể của chúng ta vẫn sản xuất được Insulin, nhưng các tế bào của cơ thể có sự đề kháng lại hoạt động của Insulin. Lúc này, đường sẽ không thể đến các tế bào trong cơ thể mà tích tụ trong máu. Tình trạng này thường gặp ở những người thừa cân, ít hoạt động thể lực, hay có thể liên quan đến di truyền.

HỎI: Vậy có những dấu hiệu gì để chúng ta nghi ngờ bị bệnh ĐTĐ?

Trả lời:

Trường hợp lâm sàng điển hình, thì bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

- Có cảm giác khát nước rất nhiều

- Đi tiểu nhiều, đôi khi đi tiểu thường xuyên mỗi giờ;

- Sụt cân không rõ nguyên nhân;

- Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.

Bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng khác ít gặp hơn, như:

- Buồn nôn hay nôn ói;

- Mờ mắt;

- Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ;

- Nhiễm nấm men hoặc nấm candida;

- Hay bị khô miệng;

- Có vết thương chậm lành.

HỎI: Đối với bệnh nhân ĐTĐ không được điều trị thì những biến chứng gì có thể xảy ra?

Trả lời:

Nếu bệnh nhân ĐTĐ không tuân thủ điều trị tốt có thể sẽ dẫn đến những biến chứng sau đây.

1. Biến chứng cấp tính: Bệnh nhân bị hôn mê do tình trạng đường trong máu quá thấp hay quá cao. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong.

2. Biến chứng mạn tính

- Biến chứng về tim mạch: Bệnh ĐTĐ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch bao gồm bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở người bệnh ĐTĐ.

- Biến chứng về thần kinh: khi lượng đường máu và huyết áp quá cao gây tổn thương hệ thoongd thần kinh khắp cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn sinh dục và nhiều chức năng khác, đặc biệt là ở bàn chân có thể dẫn đến ngứa ran và mất cảm giác hoàn toàn. Những người đái tháo đường có nguy cơ bị cắt cụt chi có thể cao gấp 25 lần so với người không có đái tháo đường.

- Biến chứng ở thận: do làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận làm cho thận hoạt động kém hiệu quả và dẫn đến suy thận.

- Biến chứng ở mắt: Hầu hết những người mắc đái tháo đường không kiểm soát tốt sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc làm giảm thị lực hoặc mù lòa.

HỎI: Xin cho vài khuyến cáo để chủ động phòng, chống bệnh ĐTĐ?

Trả lời:

Để chủ động phòng bệnh, chúng ta cần thực hiện một nguyên tắc như sau:

Một là: Cần phải tầm soát ĐTĐ trên những người có yếu tố nguy cơ sau đây:

-  Những người từ 45 tuổi trở lên, tối thiểu là 3 năm 1 lần.

-  Những người trẻ hơn có kèm các yếu tố sau:

+ Gia đình có tiền sử bệnh tim mạch (bệnh mạch vành).

+ Gia đình, người thân ruột thịt bị đái tháo đường.

+ Ít hoạt động thể lực.

+ Tăng HA ( HA ≥ 140/90 mmHg) hay rối loạn chuyển hóa lipid trong máu.

+ Phụ nữ bị buồng trứng đa nang
+  Phụ nữ đã bị đái tháo đường thai kỳ hay sinh con có cân nặng hơn 4kilogram..

Hai là: Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, cần sàng lọc để chẩn đoán ĐTĐ ngay từ lần khám trước mang thai và sàng lọc ĐTĐ thai kỳ vào thời điểm thai 24-28 tuần.

Ba làChúng ta phải có một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và luyện tập thể lực đều đặn, thường xuyên.

- Bốn là: Đối với những người có yếu tố nguy cơ: béo phì (nhất là béo ở bụng, béo phì dạng quả táo), tăng huyết áp , rối loạn mỡ trong máu…thì cần điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ này.

Năm là:  khi đã mắc bệnh ĐTĐ thì nên có một chế độ điều trị phù hợp bao gồm chế độ ăn uống hợp lý  phối hợp với chế độ luyện tập thể lực thường xuyên và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế sự xuất hiện các biến chứng cũng như là làm chậm tiến triển của các biến chứng đã có.

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang