Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Dịch Tả heo (lợn) châu Phi và 5 lựa chọn, 5 không và 4 giải pháp

03:39 23/05/2019

Gần đây, Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện heo mắc bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi. Hiện bệnh chưa có dấu hiệu lây qua người, chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine để phòng chống dịch bệnh này, biện pháp duy nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tiêu hủy hàng loạt các cá thể heo (lợn) bị nhiễm bệnh, khoanh vùng dập dịch, giết mỗ tập trung. Người tiêu dùng, người chăn nuôi, buôn bán cần thực hiện “5 lựa chọn, 5 không” khi tiêu thụ, chăn nuôi và mua bán lợn.

Dịch Tả heo (lợn) châu phi là một bệnh truyền nhiễm do heo (lợn) nhiễm vi rus ASFV. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên năm 1921 tại Kenya rồi lan truyền nhanh chóng và trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên phát hiện dịch tả heo (lợn) châu Phi tại châu Âu. đến năm 2007, bệnh xuất hiện ở các nước châu Mỹ, châu Á và đầu năm 2019 bệnh xãy ra ở nước ta. Dịch bệnh xãy ra chủ yếu trên heo (lợn) nhà (heo nuôi lấy thịt) và heo (lợn) rừng.

Trên thế giới, các giải pháp dập dịch chủ yếu là khoanh vùng dập dịch nơi heo (lợn) nuôi bị bệnh, giết bỏ heo (lợn) nuôi bị bệnh, kiểm soát giết mỗ tập trung và không đi vào các khu vực y tế được lập ra do có heo (lợn) rừng bị nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, Tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2019, dịch tả heo (lợn) châu Phi đã lây lan ở 34 tỉnh, thành phố. Số lượng heo tiêu hủy đến nay khoảng 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn heo. Nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể tới 100% địa bàn, thậm chí những nơi hết dịch sau 30 ngày, bệnh vẫn có thể quay trở lại. 

May mắn, từ lúc phát hiện Bệnh tả heo (lợn) châu Phi (1921) đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người.

Dịch bệnh tả heo (lợn) châu Phi không lây lan trực tiếp sang cơ thể người, không có mối đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe con người. Heo (lợn) bị bệnh dịch tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như: bệnh tai xanh, bệnh cúm, bệnh thương hàn... những bệnh có khả năng đồng mắc này mới gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, thịt heo (lợn) bệnh chưa được nấu chín kỹ. Những người bị trầy xước ngoài da hoặc có vết thương hở khi tiếp xúc với heo (lợn) mắc bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập.

Để sử dụng thịt heo chúng ta có 5 lựa chọn cần lưu ý:

1. Mua sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng

2. Khi mua lưu ý những dấu hiệu nhận biết thịt heo an toàn như:

+ Trạng thái bên ngoài: màng ngoài khô sạch, không dính lẻo, tạp chất lạ; màu sắc đỏ tươi đặc trưng của sản phẩm; độ rắn, mùi vị bình thường.

+ Mặt khớp: Láng và trong

+ Vết cắt: màu sắc bình thường, sáng, khô

+ Độ rắn và đàn hồi: rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.

+ Tủy: Bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi.

3. Không chế biến thịt gần khu vực chuồng nuôi

4. Chỉ sử dụng thịt heo đã được nấu chín.

5. Không chỉ heo (lợn) nuôi mắc bệnh mà heo (lợn) rừng cũng bị bệnh nên khi sử dụng thịt heo (lợn) rừng chúng ta cần lựa chọn kỷ càng.

Trong chăn nuôi mua bán heo (lợn) chúng ta cần áp dụng 5 không

1. Không giấu dịch

2. Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết.

3. Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết.

4. Không vứt heo chết ra môi trường.

5. Không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.

Các địa phương cần thực hiện 4 giải pháp khoanh vùng nuôi dập dịch, kiểm soát giết mỗ tập trung cung cấp thịt heo sạch, giết bỏ heo (lợn) bệnh và khoanh vùng lập các khu vực y tế nơi có heo (lợn) rừng bị nhiễm bệnh.

Tóm lại, dịch Tả heo (lợn) châu phi còn diễn tiến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý chúng ta, khi trực tiếp thị sát tình hình chống dịch Tả lợn châu Phi tại một số địa phương,”Chúng ta mới bị thiệt 5% tổng đàn, còn 95% vẫn bình thường. Không quay lưng lại với thịt heo sạch, nơi được kiểm soát. Phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm…”. Để phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, nhà quản lý, người tiêu dùng, người chăn nuôi mua bán thịt heo cần thực hiện 5 lựa chọn, 5 không và 4 giải pháp.

Bác sỹ Lê Minh Uy, PGĐ-TTTTGDSK An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang