Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống dịch bệnh mùa mưa

02:24 10/11/2020

Mùa mưa là mùa tạo điều kiện cho virut, vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh trùng phát triển, gây bệnh, bệnh có thể lây lan thành dịch ở cộng đồng. Mỗi mầm bệnh có đường lây lan khác nhau từ người bệnh sang người lành. Những đường lây bệnh thường gặp là: Lây qua đường hô hấp; đường tiêu hóa; các vết đốt của côn trùng; vết cắn của động vật; đường tình dục… Sau đây là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã và đang lưu hành tại địa phương.

1. Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn thường đẻ trứng và nở thành loăng quăng/bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước quanh nhà, nơi chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, các vật dụng chứa nước sinh hoạt để lâu ngày như lu, hủ, bể nước mưa, lọ hoa… hoặc các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Bệnh xuất hiện quanh năm, cao điểm là vào mùa mưa.

2. Tay - Chân - Miệng: Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân - miệng. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 03 tuổi, đặc biệt là các cháu đang đi nhà trẻ, mẫu giáo.

3. Tiêu chảy: Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè do khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu, là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp bị tiêu chảy. Mặt khác, sau những ngày mưa bão, lũ lụt thì các vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi, phát tán trong môi trường đất, nước, thực phẩm, làm cho số người mắc tiêu chảy càng nhiều và dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch.

4. Cúm: Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus gây nên. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Một số loại cúm A có thể gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch, gây tử vong rất cao.

5. Viêm não Nhật Bản: Là bệnh do virus gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là heo, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn

Các bệnh dịch trên có thể phòng chống được rất hiệu quả bằng những biện pháp đơn giản sau đây:

- Cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống, đậy kín hoặc lật úp các vật chứa để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi gây bệnh. Diệt muỗi, diệt loăng quăng tại hộ gia đình, ngủ mùng kể cả ban ngày để không bị muỗi chích.

- Thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người giữ trẻ bằng xà phòng; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn, ngâm rửa đồ chơi của trẻ hàng tuần

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chế độ ăn chín, uống chín; bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.

- Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được nấu chín và các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.

- Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, thời gian vắc-xin miễn dịch kéo dài trung bình 15 năm.

- Ngoài ra, cần đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ nhằm tạo sự  miễn dịch phòng 8 bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống các loại nước trái cây nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời./.

Nguyễn Thị Sơn Hương - TYT Văn Giáo, huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang