Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng chống dịch bệnh mùa tựu trường

03:13 27/08/2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID- 19, sốt xuất huyết, tay chân miệng…; ngoài việc triển khai nhiệm vụ cho năm học mới, nhà trường cần cùng ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong trường học, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Mùa tựu trường cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, sốt xuất huyết. Vì vậy, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan trong trường học

Ở cấp Mầm non- Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở  do thay đổi sinh hoạt từ nhà sang trường học khiến trẻ mải chơi đùa, ăn ít; cùng với sự thay đổi về tâm lý dễ khiến trẻ mệt mỏi, sức đề kháng sẽ kém hơn. Đặc biệt, vào thời điểm đi học, số lượng trẻ tập trung đông, nếu có học sinh mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ là điều kiện tốt để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch. Vì vậy nhà trường, giáo viên, bảo mẫu phải mở cửa phòng học thoáng mát và thực hiện các giải pháp vệ sinh phòng học, phòng làm việc bằng hóa chất sát khuẩn thông  thường. Đối với việc phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa cần hướng dẫn học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và  thường xuyên vệ sinh răng miệng. Cần lau sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng, đồ chơi, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn hay dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ 0,5%.  Khi xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết trong trường học thì cần phối hợp y tế xử lý vệ sinh môi trường- diệt lăng quăng, kết hợp phun hóa chất diệt muỗi 2 lần cách 7 ngày. Còn đối với bệnh truyền nhiễm khác, giáo viên phải thông báo cho y tế trường học biết để nhà trường cùng với trạm Y tế địa phương và Trung tâm Y tế huyện tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan thành dịch lớn. Trẻ bị bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, không được tự ý đi học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Cùng với đó, nhà trường cần kết hợp với y tế địa phương tăng cường công tác truyền thông- giáo dục sức khỏe về việc đeo khẩu và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh COVID-19; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt và an toàn thực phấm; hướng dẫn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh lây qua đường muỗi chích. Hàng tháng tổ chức tuyên truyền những nội dung trên bằng các hình thức như phát thanh học đường, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép sinh hoạt chủ nhiệm. Phối hợp với y tế trong khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh để phát hiện và điều trị các bệnh thường gặp ở tuổi học đường như suy dinh dưỡng, cận thị, vẹo cột sống, bệnh răng miệng, bướu cổ, lao, các bệnh về tim mạch, tiêu hóa và một số bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục.

Nhìn chung nhà trường nơi tập trung đông học sinh, nếu xảy ra dịch bệnh, tạm thời là cơ hội lây lan các bệnh truyền nhiễm từ nhà trường đến gia đình và toàn xã hội. Trong khi đó, phần lớn các em còn nhỏ tuổi, chưa có ý thức cao trong về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân; kiến thức và thực hành phòng bệnh còn rất hạn chế. Vì vậy, nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh, bệnh tật học đường là không hề nhỏ. Việc tăng cường phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe của học sinh trong trường học luôn mang lại tính thiết thực và vô cùng có ý nghĩa. Bởi, nó đem lại sự tin tưởng trong giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về một môi trường giáo dục sạch sẽ, an toàn và thân thiện./.

                                                                                                  Nguyễn Minh Thời

                                                                                                     TTYT Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang