Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng bệnh chó dại, xử trí đúng vết thương

09:52 15/05/2020

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu từ vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở khu vực châu Á. Tại Việt Nam , bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là Chó. Năm 2020, tại An Giang từ đầu năm đến nay (giữa tháng 4), huyện An Phú xảy ra một số ca và đã có người tử vong.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người lần lượt là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh chủ yếu lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân dại.

Xử trí vết thương càng sớm càng tốt:

Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn Iod để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 03 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại  vào tất cả các vết thương.

Sau đó hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại phù hợp. Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và cách xử lý theo phương pháp dân gian.

Chủ động phòng tránh:

 Tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân bị dại trong suốt thời gian mắc bệnh. Những người chăm sóc, phục vụ trực tiếp người bệnh nên dùng găng tay, mặc áo choàng, đeo khẩu trang.

Phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương tiến hành:

- Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh khử trùng tiêu độc vùng có dịch.

- Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo qui định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các ấp, xã tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

-Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có ổ dịch phải thực hiện biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

-Không vận chuyển đưa chó mèo ra vào vùng có dịch.

Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả và quan trọng để phòng chống bệnh dại.

Mỗi chúng ta cần phát huy hơn nữa ý thức cá nhân cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Trong tất cả những dịp sum vầy vui vẻ, chúng ta cũng không quên cảnh giác, nhắc nhở nhau về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng tránh bệnh dại để có sức khỏe tốt, tránh những điều không tốt đến với bản thân và mọi người chung quanh chúng ta cùng thực hiện cam kết 5 không:

- Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại;

- Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương;

- Không nuôi chó, mèo thả rông;

- Không để chó, mèo cắn người;

- Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Ds. Khổng Thị Hồng Duy

Phòng TCHC, TTYT TP. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang