Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bệnh bạch hầu và biện pháp phòng bệnh

01:32 15/07/2020

Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Khi mắc bệnh Bạch hầu, bệnh nhân sẽ có giả mạc ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi…

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu.

Bệnh Bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin phòng bệnh. Năm 1923, vắc xin giải độc tố Bạch hầu ra đời, nhưng cho đến nay chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam vẫn chưa thanh toán được bệnh Bạch hầu.

Biểu hiện của bệnh gồm các triệu chứng như:

- Viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng vùng cổ.

- Khám thấy có giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh nơi bị viêm, nếu bóc giả mạc ra sẽ bị chảy máu và vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết (ửng đỏ).

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác, viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:

Vi khuẩn Bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 580C vi khuẩn chết sau 10 phút, trong cồn 60 độ vi khuẩn chết sau 01 phút.

Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày hoặc có thể lâu hơn. 

Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần.

Các biện pháp phòng bệnh Bạch hầu:

- Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh Bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với ngành y tế cho con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh Bạch hầu đầy đủ.

- Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng, có đủ ánh sáng.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, ăn chín uống chín.

- Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu đầy đủ theo lịch

Trong cộng đồng, khi phát hiện có người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Bạch hầu, mọi người cần báo ngay với y tế địa phương để có biện pháp xử lý thích hợp.

Tại cơ sở y tế, cần phân luồng khám chữa bệnh hợp lý để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

 

Nguyễn Phú Hữu

TTYT thị xã Tân Châu

Văn phòng Sở Y tế An Giang