Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Trầm Cảm

03:11 09/09/2021

Trầm cảm là bệnh lý đang phát triển ở xã hội hiện đại, xuất hiện nhiều nhất ở lứa tuổi từ 18-45, nữ gặp nhiều hơn nam. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là căn bệnh phổ biến nhất thế giới với khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng trên toàn cầu .

 Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm như do căng thẳng bởi thường xuyên chịu nhiều áp lực từ các vấn đề ở  gia đình, công việc, kinh tế hoặc xảy ra biến cố lớn, đột ngột; mất người thân hay mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, ung thư,… gây ra những đau đớn về thể chất, ảnh hưởng đến tinh thần nên có nguy cơ đưa đến trầm cảm. Theo một số nghiên cứu, bệnh cũng có yếu tố di truyền, nếu bố mẹ hoặc người thân đã từng hoặc đang mắc bệnh trầm cảm thì con cái có nguy cơ cao gấp 3 lần gặp phải căn bệnh này. Các trường hợp lạm dụng thuốc an thần, chất kích thích hay việc lạm dụng quá nhiều rượu bia, ma túy và chất gây nghiện khác sẽ khiến cho bộ não bị ảnh hưởng gây nên bệnh. Bên cạnh đó, mất ngủ thường xuyên và kéo dài sẽ làm cho con người suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và được xem là nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại khiến áp lực công việc gia tăng, bộ não phải làm việc quá tải; cảm giác cô độc trong cuộc sống, quá lệ thuộc vào mạng xã hội cũng là những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến.

Bệnh trầm cảm rất dể nhận ra, nếu người thân chịu khó để ý, quan tâm đến những dấu hỉệu bất thường của một người nào đó trong gia đình. Người bệnh có những biểu hiện đặc trưng như: Buồn chán, sống thu mình  ít nói, tuyệt vọng, không quan tâm đến các vấn đề xung quanh, cảm thấy suy sụp; mất quan tâm, hứng thú với các công việc hay sở thích trước đây, giảm năng lượng hoạt động, có ý định tự sát. Khi mắc bệnh này, người bệnh thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, uể oải, ngại giao tiếp với người thân và cộng đồng; một số bệnh nhân bị mất ngủ, ăn kém ngon miệng. Cũng có những trường hợp họ tự hành xác, làm đau đớn mình để hy vọng tìm sự thư thái. Nghiêm trọng trọng hơn là những hành động có ý định tự tử để giải thoát khỏi cỏi đời.

Trong cuôc sống, ai cũng có thể gặp những nỗi buồn hoặc căng thẳng trong đời. Để cho nó không biến thành bệnh, hãy tự mình vượt qua nó. Chẳng hạn: Khi thấy người mệt mỏi, buồn bã thì nên chia sẻ với người thân, bạn bè để giải tỏa tâm lý. Cần sắp xếp công việc một cách hợp lý, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, Hàng ngày luyện tập thể dục thể thao, vì khi luyện tập cơ thể sẽ giải phóng một số chất như dopamine, endorphin… giúp tự chữa trầm cảm. Cần có chế độ ăn uống hợp lý với thực phẩm giàu chất xơ, nhiều omegaa và vitamin như  rau củ quả, cá, đậu… Nên nhớ, trầm cảm hiện đang là một căn bệnh về tâm thần khá phổ biến và có thể mang đến những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống, nó là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát. Vì vậy,  nếu bản thân, gia đình và bạn bè đã nỗ lực mà trầm cảm vẫn tiến triển thì cần đưa người bệnh đến thầy thuốc tâm thần để khám và chữa trị./.

                                                                                                           Nguyễn Minh Thời

                                                                                                              TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang