Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Ngành Y tế với việc chăm sóc sức khỏe toàn dân

03:41 09/04/2020

Sức khỏe là tài sản quan trọng, quý giá nhất của con người. Còn chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của ngành Y tế

Vì vậy, trong thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo bộ tiêu chí chuẩn quốc tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp, thân thiện; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm quốc tế để dự phòng, chẩn đoán và điều trị... Trong đó, giải pháp then chốt là toàn ngành đã tập trung đổi mới cơ chế tài chính, đưa giá dịch vụ về giá trị thực gắn với lộ trình Bảo hiểm Y tế toàn dân vận hành theo đúng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mọi người dân từ miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa… đều được bảo vệ, chăm sóc, quản lý, theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.

Việc bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nó đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, chính quyền, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.Về các giải pháp, ngoài việc thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, còn có mục tiêu xây dựng môi trường hỗ trợ, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Theo đó, giai đoạn từ năm 2018 - 2030, chương trình sức khỏe sẽ tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là nâng cao sức khỏe, bao gồm các nội dung bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động; nhóm thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh gồm chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nhóm thứ 3 là chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, an toàn người bệnh là nguyên tắc cơ bản của ngành Y tế. Để đảm bảo an toàn người bệnh đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ hệ thống Y tế, bao gồm cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn môi trường và quản lý rủi ro. Trong đó còn có kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc và thiết bị đúng cách, thực hành lâm sàng an toàn để cung cấp dịch vụ Y tế  toàn tuyến có chất lượng cao.

Chủ đề ngày sức khỏe thế giới (7/4) năm 2020 là “chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Trong đó, CSSKBĐ có vai trò cốt lõi và nền tảng. Hệ thống CSSKBĐ lấy con người làm trung tâm và dựa trên nền tảng dân số để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện dự phòng, cung cấp vắc-xin, ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Tầm nhìn rộng hơn, CSSKBĐ trong hệ thống Y tế sẽ góp phần thực hiện 16 mục tiêu phát triển bền vững khác như xóa bỏ đói nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe, học tập suốt đời, giảm bất bình đẳng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, xây dựng môi trường sống khỏe mạnh và bền vữngĐây cũng nhằm đáp ứng với tình trạng già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người cao tuổi.

Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức  khỏe và bảo hiểm Ytế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua như hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, kiểm soát sốt rét, lao, thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95% và sản xuất được hầu hết các loại vắc xin trong chương trình TCMR. Trong thời gian tới, tiến tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% và loại trừ sởi vào năm 2020.

Nguyễn Minh Thời

Trung tâm Y tế Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang