Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Khó khăn, thách thức trong phòng chống HIV

03:19 29/11/2019

Hiện nay HIV/AIDS đang là một bệnh dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng con người và tương lai nòi giống của các dân tộc toàn thế giới. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội; đe dọa sự phát triển bền vững của mổi quốc gia. Ở Việt Nam, HIV đang lan tràn mạnh mẽ ở từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi trên mọi vùng miền của đất nước.

Khi  một người khi nhiễm HIV (H) thì cuộc sống  sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Nó đòi hỏi người đó phải có nghị lực rất lớn. Bởi họ biết mình sẽ từ giã cỏi đời sớm hơn người khác. Do đó mà ngay cả khi còn sống khoẻ mạnh, họ cũng luôn phải đấu tranh với bản thân để quên đi ý nghĩ về cái chết. Trong khi đó, gia đình thì rất buồn đau, đôi khi còn oán trách khi biết họ bị nhiễm H. Còn người ngoài có thể có nhiều phản ứng rất khác nhau: Người tốt bụng, nhân ái thì cảm thông, chia sẻ; nhưng cũng có người thiếu hiểu biết sẽ xa lánh, thậm chí miệt thị. Đời sống tình cảm rất khó khǎn, nếu độc thân họ sẽ khó lập gia đình, nếu có gia đình thì họ phải luôn cẩn thận để tránh lây nhiễm cho bạn đời và con cái. Có thể họ sẽ không có con, hoặc nếu sinh thì con họ có khả nǎng nhiễm H. Khi họ mất thì bạn đời sẽ cô độc, con cái phải chịu cảnh côi cút, thiếu cha mất  mẹ hoặc cả hai.

Bên cạnh đó, họ còn gặp sự kỳ thị, phân biệt đối xử; khiến họ không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Đó cũng là lý do cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV. Đã có rất nhiều người nhiễm H còn đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, cũng như trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Họ có thể dẫn đến bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, và không được học tập để cống hiến như bao người khác, thậm trí có khi còn bị bạo hành. Đã có một số trường hợp bị từ chối cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý. Kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm H hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm H, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan cho người khác. Vì e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử mà  những người nhiễm H sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Việc này đồng nghĩa với sự vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng.

Các nội dung hoạt động chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm H đã thực hiện từ rất lâu và đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng vẫn còn phải tiếp tục vận động mọi người thực hiện, ngay cả chính bản thân người nhiễm H. Bởi, đây là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng trong phòng, chống HIV.  Mặc dù dịch HIV ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát, nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là hiện nay có sự đan xen giữa các hành vi nguy cơ của nhóm người nghiện ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ... Trong khi ở vùng sâu, xa gặp nhiều khó khăn về bước tiếp cận các dịch vụ Y tế, về nhân lực cũng như tài lực. Thì cạnh đó, sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm về nguồn viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV trong thời gian tới.

Việt nam đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm H biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đó là Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp quốc. Thực hiện những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV như hiện nay, nếu làm tốt công tác phòng, chống HIV nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân người bị nhiễm mà còn cả với cộng đồng và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030.

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang