Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

10:05 22/08/2019

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.

* Nuôi con bằng sữa mẹ là gì?

Nuôi con bằng sữa mẹ, còn được gọi là cho bú sữa mẹ, là nuôi trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ bằng sữa từ nhũ hoa của mẹ. Cho trẻ bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh và đến khi đứa trẻ không còn muốn bú nữa. Hai – ba tuần đầu đời, trẻ có thể bú tám đến mười hai lần một ngày. Thời gian một lần bú thường mười đến mười lăm phút, trên mỗi bầu ngực. Số lần bú giảm khi đứa trẻ lớn hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Sữa công thức cho trẻ sơ sinh không có nhiều lợi ích.

Ngành Y tế khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Điều này có nghĩa là ngoài vitamin D thì không cho trẻ các loại thức ăn hay nước uống nào khác và tiếp tục cho con bú sữa mẹ cho đến ít nhất một năm tuổi. Thế giới có khoảng 38% trẻ sơ sinh được nuôi chỉ bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời. Tại Mỹ khoảng 75% phụ nữ cho con bú sữa mẹ ngay từ đầu và khoảng 43% cho bú mẹ đến sáu tháng. Có rất ít bệnh mà phải kiêng sữa mẹ.

Mỗi năm, ước tính trên toàn cầu có hơn một triệu trẻ sơ sinh có thể được cứu sống bằng cách cho bú sữa mẹ nhiều hơn. Bú sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp và tiêu chảy; ít mắc bệnh hen phế quản, dị ứng thức ăn, bệnh không dung nạp gluten, bệnh tiểu đường loại 1, ung thư bạch cầu; giảm nguy cơ béo phì khi trưởng thành và cải thiện phát triển nhận thức.

Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp người mẹ là mất máu ít hơn sau sinh, tử cung co tốt hơn, giảm cân, và ít trầm cảm sau sinh. Cho con bú sữa mẹ cũng kéo dài thời gian vô kinh. Lâu dài có thể bao gồm giảm nguy cơ ung thư vú, bệnh tim mạch, và viêm khớp dạng thấp. Nuôi con bằng sữa mẹ ít tốn kém cho gia đình hơn so với sữa công thức cho trẻ sơ sinh.

* Các loại sữa mẹ:

Sữa non: Là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành.

Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.

Sữa trưởng thành: Sau khoảng 3 - 4 ngày sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng xuống sữa.

Sữa đầu bữa: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu trắng trong, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.

Sữa cuối bữa: Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn.

*Cách cho con bú:

Tư thế: Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn.

Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng.

Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.

Mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú.

Đỡ toàn bộ cơ thể trẻ

Cách ngậm bắt vú đúng:

Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.

Miệng trẻ mở rộng. Môi dưới hướng ra ngoài. Cằm trẻ chạm vào vú mẹ.

Hậu quả ngậm bắt vú sai

Đau hay tổn thương núm vú.

Cương tức vú, tắc tia sữa.

Vú sẽ tạo ít sữa đi.

Trẻ đòi bú liên tục, khóc nhiều và mỗi lần bú kéo dài hoặc từ chối bú mẹ.

Trẻ tăng cân kém.

* Những khó khăn khi cho con bú:

Không đủ sữa: Muốn tạo được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa và phun sữa. Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm cũng là một cách để tăng cường sự tạo sữa

Nứt núm vú: Thường do nguyên nhân trẻ ngậm bắt vú sai gây chà xát da của núm vú lên miệng trẻ. Điều này làm cho bà mẹ rất đau, sau nhiều lần bú kiểu này, da ở núm vú sẽ bị tổn thương gây nứt núm vú. Xử trí bằng cách thực hiện ngậm bắt vú đúng, triệu chứng đau sẽ giảm đi.

Cương tức vú: do tồn sữa trong vú vì trẻ bú không thường xuyên, ngậm bắt vú sai, hạn chế thời gian mỗi bữa bú. Phòng ngừa bằng cách cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên và giúp trẻ ngậm bắt vú đúng. Nếu trẻ không bú được thì phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa. Trước khi cho bú dùng gạc ấm đắp lên vú. Sau khi cho bú thì dùng gạc lạnh để giảm phù nề.

Tắc ống dẫn sữa và viêm vú: Khi ống dẫn sữa bị tắc làm sữa bị ứ trệ gây ra viêm vú, có thể viêm từ không nhiễm trùng đến viêm nhiễm trùng. Xử trí: trước hết phải cải thiện sự lưu thông ở ống dẫn sữa sau đó tìm nguyên nhân để giải quyết nếu sau 24 giờ các triệu chứng không giảm phải điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và nghỉ ngơi hoàn toàn.

Núm vú phẳng và bị tụt vào trong: Xử trí trước đẻ thường không có giá trị, ngay sau khi đẻ phải giúp bà mẹ tin tưởng rằng trẻ bú từ vú chứ không phải từ núm vú, giúp bà mẹ cho trẻ ngậm vú đúng, cố gắng cho trẻ bú ở những tư thế khác nhau. Giúp bà mẹ làm cho vú dài ra bằng cách sử dụng bơm hút đầu vú ra.

* Chăm sóc nguồn sữa mẹ:

Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa và vận động; bà mẹ sẽ bị suy dinh dưỡng.

Bà mẹ cần ăn uống đầy đủ sẽ. Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín.

Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường.

Uống nhiều nước (1,5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.

Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi).

Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.

Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế

Tóm lại: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.

Ths.Bs Lê Minh Uy – PGĐ Trung Tâm TT-GDSK AG

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang