Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh đái tháo đường phát hiện, chuẩn đoán sớm trong cộng đồng

02:17 10/11/2020

Trong vài năm trở lại đây, ngành Y tế ghi nhận gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, Ung thư, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Đái tháo đường… Bộ Y tế có những hướng dẫn phát hiện, chẩn đoán sớm người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng.

Phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường:

Sử dụng bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 (Mục 3.1). Những người này thực hiện xét nghiệm đường huyết nhanh hoặc thực hiện nghiệm pháp tăng đường huyết bằng đường uống để phát hiện sớm đái tháo đường.

Người có biểu hiện của bệnh, đó là “ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhanh”. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có thể bệnh nhân chỉ có một trong các triệu chứng thôi, như gầy sút nhanh, hoặc hay khát nước,… hoặc có người nhận thấy nước tiểu có ruồi bâu, kiến đậu.

Người không có triệu chứng nêu trên nhưng có thể có biểu hiện của các biến chứng: hay có mụn nhọt, hay tê chân tay, viêm lợi, viêm âm đạo dai dẳng, mờ mắt sớm trước 50 tuổi,…

Chẩn đoán đái tháo đường:

Cách duy nhất chuẩn đoán đái tháo đường là làm xét nghiệm đường máu. Ở tuyến xã, có thể đo đường máu bằng máy đo đường huyết nhanh.

Bệnh nhân được đo đường huyết buổi sáng, lúc đói khi chưa ăn.

Kết quả, nếu đường huyết ≥ 7 mmol/L thì là đái tháo đường, nên chuyển tuyến trên khẳng định chẩn đoán và hướng điều trị.

- Nếu kết quả từ 6,1 - 6,9 mmol/L, có thể là tình trạng tiền đái tháo đường.

Khi đó, ta có thể làm nghiệm pháp tăng đường huyết đường uống (cho bệnh nhân uống 75 g đường glucose, sau 2 giờ đo đường huyết), nếu kết quả ≥ 7,8 mmol/L thì bệnh nhân được coi là có tình trạng tiền đái tháo đường hoặc đường huyết ≥ 11,1 mmol/L là đái tháo đường và cũng cần chuyển lên tuyến trên để xác định chẩn đoán và hướng điều trị.

- Nên làm 2 lần vào 2 ngày khác nhau để cho kết quả chắc chắn.

Quản lí, theo dõi hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh:

Nên ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt. Nên giảm bớt tinh bột, các thức ăn có nguồn gốc động vật và thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, lạc, …

Nên kiêng các thức ăn cung cấp đường nhanh (là các thức ăn có vị ngọt như bánh kẹo, trái cây ngọt như mít, xoài, dứa). Có thể dùng các chất ngọt (đường hóa học) thay thế đường thông thường như sacharin.

Cần chú ý làm giảm cân nếu có béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm calo. Ở người không thừa cân hoặc béo phì, không nên ăn kiêng thái quá.

Bệnh nhân dù ăn kiêng để giảm cân nhưng vẫn phải đảm bảo các vitamin, nhất vitamin nhóm B.

Nên tăng cường tập luyện thể lực (đi bộ, chạy, bơi). Tăng cường vận động trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, tránh dùng xe máy khi không thật cần thiết,…

Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng nhiễm trùng: vệ sinh cơ thể và điều trị ngay các xây xát tay chân, vệ sinh răng miệng,…

Sinh hoạt điều độ, tránh rượu, bỏ thuốc lá và dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc./.

Hồ Thị Ánh Loan – TTYT TP. Châu Đốc

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang