Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng chống sốt xuất huyết, những tồn tại chưa được khắc phục trong năm 2019

09:26 22/08/2019

Hiện nay, đã vào những ngày mưa nhiều, là mùa cao điểm của dịch bệnh Sốt xuất huyết. Số ca mắc trong tỉnh An Giang tiếp tục tăng cao. Các địa phương đang tích cực tổ chức phòng chống dịch bệnh trong các khu vực có ca bệnh. Cán bộ Y tế cấp huyện xã thường xuyên tham mưu với lãnh đạo chính quyền, đề ra các biệp pháp phù hợp với từng địa phương.

Qua giám sát công tác truyền thông phòng chống dịch ở một số địa bàn. Trung tâm truyền thông có một số nhận xét và đề nghị khắc phục những tồn tại sau đây:

1.Kỹ năng phát hiện vật dụng có lăng quăng của lực lượng cộng tác chưa đủ, còn bỏ sót khi kiểm tra tại nhà dân:

Cán bộ ban ngành đoàn thể, lực lượng an ninh trật tự đã thường xuyên  tham gia các chiến dịch diệt lăng quăng dưới sự lãnh đạo của chính quyền. Nhưng kỹ năng kiểm tra, phát hiện và xử lý dụng cụ chứa nước có lăng quăng của họ chưa nhuần nhuyễn, đa số chỉ kiểm tra lu nước mà không kiểm tra các vật dụng chứa nước khác trong nhà cũng như chung quanh nhà. Trong khi đó, cán bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cho  các lực lượng tham gia thì hướng dẫn sơ sài. Vì vậy, trước mỗi đợt chiến chiến dịch, cán bộ Y tế cần hướng dẫn kỹ, bằng các hình ảnh hoặc mô hình nhà thực tế để các lực lượng tham gia nắm rỏ cần phải xem xét những chỗ nào, những vật dụng gì có thể có lăng quăng một cách trực quan để khi đến nhà dân lực lượng cộng tác có thể kiểm tra không sót các vật dụng chứa lăng quăng.

2.Làm thay người dân, ít quan tâm hướng dẫn nhắc nhở trách nhiệm của người dân để họ tự xử lý vật dụng có lăng quăng:

Trong các chiến dịch diệt lăng quăng, khi đoàn kiểm tra phát hiện có vật dụng chứa lăng quăng, yêu cầu người dân xử lý,  người dân hẹn lần lựa mà không chịu làm ngay, đoàn kiểm tra đã xử lý vật dụng đó thay cho người dân luôn. Tình hình này ngày càng trầm trọng, số người dân trông chờ đoàn công tác xử lý vật dụng chứa nước chứ họ không làm, ngày càng nhiều. Chính chúng ta đã tạo cho người dân tâm lý trông chờ ỷ lại nguy hiểm. Khi không có đoàn kiểm tra, dù họ thấy có lăng quăng trong vật dụng chứa nước thì cũng không tự xử lý mà chờ đoàn đến làm. Đây là hậu quả của việc chúng ta làm chưa đúng, bây giờ cần phải điều chỉnh cách làm. Khi phát hiện có vật dụng có lăng quăng, cán bộ trong đoàn cần yêu cầu người nhà tự xử lý, chúng ta chỉ hướng dẫn mà không làm thay. Điều nầy có thể mất nhiều thời gian hơn, do đó cần có sự phân công người chịu trách nhiệm động viên người dân tự làm và chỉ tiêu số hộ đến kiểm tra trong một buổi cần được phân bố phụ hợp, không gây áp lực cho đoàn công tác. Đối với hộ dân cố ý tránh né, không chịu tự xử lý vật dụng chứa nước, cần tham mưu với chính quyền có một số biện pháp hành chính nhẹ nhàng hơn là xử phạt, để người dân thấy được trách nhiệm của họ, nếu để có lăng quăng trong vật dụng chứa nước trong nhà hoặc quanh nhà thì có một sự đối xử khác biệt nào đó, cụ thể biệp pháp gì thì tùy thuộc vào tưng địa phương. Đoàn kiểm tra chỉ xử lý vật dụng chứa nước thay cho những hộ dân già yếu, neo đơn, bệnh tật, trẻ em không tự làm được. Lưu ý, khi làm thay những hộ đó đoàn cần nói rõ lý do làm thay.

3.Hộ vắng nhà: Các đoàn kiểm tra thường gặp khó khăn khi đến những nhà không có người ( gọi là hộ vắng nhà), trong khi trong nhà có thể có nhiều vật dụng có lăng quăng mà đoàn công tác thì không thể vào kiểm tra xử lý được. Giải pháp là thường xuyên nhắc nhở vận động người dân nên xử lý các vật dụng chứa nước trước khi rời nhà đi xa nhiều ngày. Tham mưu chính quyền, công an, quy định khi chứng giấy tạm vắng cần có xác nhận của tổ nhân dân tự quản là chủ hộ đã xử lý xong các vật dụng chứa nước trong nhà.

4.Lực lượng cộng tác thiếu tích cực: Trường hợp lực lượng ban ngành đoàn thể tham gia thiếu tích cực: tham mưu lãnh đạo giao trách nhiệm cho người giám sát đoàn, có tổng kết đánh giá sau chiến dịch, báo cáo những trường hợp không tham gia khi được phân công, tham gia thiếu nhiệt tình, làm việc chiếu lệ để đánh giá xét thi đua khen thưởng.

Ngoài ra còn nhiều vấn đề tồn tại trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Để kịp thời ứng phó với dịch bệnh, mỗi khi ở địa phương có dịch bệnh tăng cao. Không nên chỉ nhìn vào các nguyên nhân khách quan mà phải xem xét các nguyên nhân chủ quan, Trạm Y tế, Trung tâm Y tế cần trả lời được câu hỏi:

Vì sao dịch bệnh lại tăng cao trong khu vực đó?

Đặc điểm của khu vực đó có gì khác biệt?

Còn việc gì chúng ta thực hiện chưa tốt?

Từ đó tự đề ra giải pháp phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh ở địa phương.

Bs. Trần Văn Sáng

Giám đốc Trung tâm TT-GDSK An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang