Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

PrEP – điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, niềm hy vọng ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng

03:25 29/11/2019

Khi nhắc tới HIV, người ta đều lo lắng và sợ hãi vì không có thuốc điều trị cho căn bệnh này, mặc dù hiệu quả điều trị của thuốc kháng vi rút HIV là rất rõ ràng. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn miệt mài vì sức khỏe của con người, với thành quả khoa học phát triển, con người đã dần kiểm soát được HIV bằng việc sử dụng ARV trong dự phòng HIV như: PEP và PrEP. Đặc biệt, PrEP là một biện pháp dự phòng bổ sung thực sự hiệu quả đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Khoa học có bằng chứng trên các thử nghiệm lâm sàng về dự phòng dựa trên đường uống và bôi trên nhiều đối tượng: cặp dị nhiễm, Nam quan hệ tình dục đồng giới nam, tình dục khác giới, tiêm chích ma túy trên nhiều quốc gia khác nhau: Uganda, Canada, thái lan, nam phi…Tuy nhiên, PrEP được chứng minh là rất hiệu quả đối với những người: Nam quan hệ tình dục đồng giới nam, Người tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục khác giới với bạn tình có HIV dương tính.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5866/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2018 về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 – 2020.

Vậy Prep là gì, PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có hành vi nguy cơ cao chưa bị lây nhiễm HIV.

PrEP là một loại thuốc sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. PrEP không phải vắc xin, vì thuốc sẽ mất hiệu lực khi ngừng sử dụng.

Người uống là người chưa nhiễm HIV nhưng có quan hệ tình dục với người nhiễm, với người không biết tình trạng nhiễm HIV và dùng chung bơm kim tiêm. Hiệu quả vô cùng khả quan, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục 90% và tiêm chích ma túy 70%.

Vậy, người bị Viêm gan B có được sử dụng PrEP không? PrEP không được chỉ định dùng đối với người có viêm gan B vì trong thành phần của thuốc PrEP có TDF (TENOFOVIR DISOPROXIL FUMARATE) là thuốc điều trị hiệu quả và đã được phê duyệt đối với viêm gan B. Nếu sử dụng PrEP một thời gian, sau đó ngừng lại thì có nguy cơ khiến viêm gan B trở nên trầm trọng. Do vậy, trước khi được chỉ định dùng PrEP cần xét nghiệm máu để biết có nhiễm vi-rút viêm gan B hay không. Nếu có thì cần khám chuyên khoa để xác định xem bạn có chỉ định điều trị viêm gan B không. Nếu không có chỉ định điều trị viêm gan B, thì có thể sử dụng PrEP theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, Phụ nữ mang thai có thể sử dụng PrEP, nếu muốn có thai với bạn tình nhiễm HIV: Trong 21 ngày đầu, uống PrEP hằng ngày và dùng bao cao su đúng cách. Từ ngày thứ 22, không dùng bao cao su để có thể mang thai nhưng vẫn phải dùng PrEP đều hằng ngày. Không cần dùng PrEP nếu bạn tình đã được điều trị bằng thuốc ARV trên 6 tháng và có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu).

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chương trình dự phòng trước phơi nhiễm đã triển khai tại 11 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Bà rịa – Vũng tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang.

Theo báo cáo tại khóa Đào tạo tập huấn về hướng dẫn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm vào tháng 5/2019 tại Thành Phố Đà Nẵng do Cục AIDS và Dự án Quỹ Toàn Cầu Trung Ương, dự kiến sẽ triển khai chương trình điều trị PrEP tại An Giang vào năm 2020.

Có thể nói PrEP là ứng dụng mới nhất trong số nhiều ứng dụng của thuốc để ngăn chặn kết cục sức khỏe không mong muốn. PrEP đã mở ra một hướng đi mới trong công tác dự phòng lây lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang