Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bênh lao phổi

03:14 09/04/2020

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80% - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao tấn công và gây hủy hoại mô ở phổi. Bệnh được chia thành hai thể chính là: lao phổi và lao ngoài phổi (lao màng phổi, màng não, màng bụng; lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu, lao ruột…). Khi người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp có vi khuẩn lao thì gọi là lao phổi AFB(+) là nguồn lây truyền bệnh cho người xung quanh và ngược lại là lao phổi AFB(-).

Bệnh lao phổi có các biểu hiệu như: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đàm hoặc ho có máu); người cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, sụt cân; sốt nhẹ về chiều; đổ mồ hôi trộm về ban đêm; đau ngực đôi khi có khó thở. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phế quản,viêm phổi, giãn phế quản, ung thư phổi, lao… Trong trường hợp ho trên 3 tuần và không đáp ứng thuốc kháng sinh thì phải nghĩ ngay đến bệnh lao phổi.

Lao phổi là bệnh không do di truyền mà do loại vi khuẩn lao lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Khả năng lây mạnh trong thời gian chưa được điều trị. Cứ 1 người bị lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn lao có thể lây cho 10-15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại tập trung...

Yếu tố thuận lợi để mắc bệnh là: Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt; khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các chất thải chứa vi khuẩn lao; sử dụng thực phẩm chứa vi khuẩn lao; ăn vật nuôi bị nhiễm lao. Ngoài ra ở nhóm người có nguy cơ cao cũng cần phải chú ý như: Người nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây đặc biệt là trẻ em; người mắc các trường hợp bệnh mạn tính như: loét dạ dày - tá tràng, tiểu đường, suy thận mạn; người nghiện ma túy, thuốc lá, thuốc lào; người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư.

Để phòng tránh bệnh lao cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Tiêm vắc-xin BCG cho tất cả trẻ em ngay tháng đầu sau sinh nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao.

- Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, chụp X quang phổi, xét nghiệm đàm để phát hiện bệnh sớm.

- Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm (đặc biệt là khi còn ho khạc ra vi khuẩn lao, có xét nghiệm đàm AFB dương tính).

-  Tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh: 

+ Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.

+ Không khạc nhổ bừa bãi, khạc đờm vào khăn  giấy rồi đốt, rửa tay với xà bông thường xuyên.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ), có ánh nắng. 

- Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ lao phổi cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị theo phác đồ của chương trình chống lao tại Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố.

Bs. Huỳnh Văn Su

Trưởng Khoa Truyền nhiễm, TTYT huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang