Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Biến đại dịch COVID-19 thành cơ hội thanh toán lao năm 2030

08:50 18/03/2021

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc, trong đó có 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo ước tính có khoảng 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải đối mặt với những chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Có 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động; vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế đến từng gia đình và xã hội.

Người mắc bệnh lao phổi thường có biểu hiện ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, đau tức ngực, sốt nhẹ về chiều, gầy sụt cân, ăn uống kém. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi càng nhiều thì khả năng lây nhiễm vi khuẩn lao càng cao. Môi trường sống và làm việc ẩm thấp cũng là nơi vi khuẩn lao tồn tại lâu nên cũng dễ lây nhiễm. Những người mắc lao cần được quản lý điều trị sớm, đúng phác đồ và đủ thời gian. Cần tăng cường dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày, luyện tập thể dục thể thao. Môi trường sống và làm việc phải được thông thoáng, mang khẩu trang khi ra đường. Bệnh nhân lao phổi điều trị tại nhà ngoài việc phải uống thuốc đúng theo hướng dẫn thì cần phải hạn chế nguồn lây lan trong thời gian 2 tuần đầu bằng cách dùng riêng vật dụng cá nhân, khạc nhổ đúng nơi theo hướng dẫn và hạn chế tiếp xúc gần với người thân, đặc biệt là trẻ em

Bệnh lao thường gặp ở cơ quan hô hấp. Bệnh làm cho cơ thể suy kiệt dần, dẫn đến sức đề kháng của cơ thể giảm đi, nên cũng là yếu tố nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn nếu lây nhiễm Covid-19 cũng như một số bệnh khác. Trên thực tế, sự lây truyền của bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19. Vi khuẩn lao lại có khả năng đối phó với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Cụ thể: Trong môi trường không khí 3- 4 tháng vi khuẩn vẫn tồn tại và giữ được độc lực, ở 42 độ C vi khuẩn ngừng phát triển và chết sau 10 phút ở 80 độ C, dưới ánh nắng > 35 độ C vi khuẩn bị chết sau 1,5 giờ, với cồn 90 độ vi khuẩn tồn tại được ba phút.

Trong khi đó, Covid-19 có thể tồn tại đến 3 - 4 ngày trên bề mặt các vật liệu kim loại, gỗ, vải, giấy, da tay, 4 - 5 ngày trong nước bọt và dịch tiết hô hấp của bệnh nhân. Chúng có thể sống và tồn tại với hoạt lực cao ở nhiệt độ thấp 4 - 20 độ C trong 5 ngày, mất khả năng lây nhiễm ở môi trường ngoài sau 30 phút (ở 56 độ C). Tia cực tím  và các hóa chất có tác dụng khử trùng ở nồng độ thường thì có thể tiêu diệt được virus trong vòng 60 phút và chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên mắt mũi miệng. Bệnh lao thì khác với Covid ở chỗ là chúng ta đã có thuốc chữa, còn với Covid thì chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải cách ly hoặc tiêm ngừa mới có thể tiêu diệt hay ngăn chặn hết nguồn lây.

Nhưng cả hai có một điểm chung là khi nào chúng ta làm được hết nguồn lây thì chúng ta sẽ  kiểm soát và chấm dứt được bệnh. Vậy, nếu như bệnh lao được quan tâm như COVID-19 với sự đầu tư đúng mức, cùng với sự vào cuộc chung tay của các cấp các ngành và cộng đồng như phòng chống COVID-19 thì sẽ sớm thanh toán được bệnh. Mặt khác, với điều kiện kỹ thuật, thuốc men, xét nghiệm cũng như phác đồ điều trị đầy đủ như hiện nay, chúng ta rất dễ dàng phát hiện và điều trị được tất cả các trường hợp bị lao.                                                                                                                                               

Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay có chủ đề "Biến hiểm hoạ Covid - 19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Với mục tiêu từ cuộc chiến chống dịch COVID- 19 kêu gọi mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, nhằm hướng tới thanh toán căn bệnh này trong 10 năm tới./. 

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang