Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền tỉnh An Giang

04:35 16/03/2021

Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Đông y - Châm cứu An Giang, tên gọi tắt: Trung tâm Đông y – Châm cứu An Giang (Trung tâm ĐYCCAG), là đơn vị dịch vụ Y dược cổ truyền thuộc Tỉnh Hội Đông y An Giang, được thành lập vào ngày 26/4/1989 theo Quyết định số 138/UB-QĐ ngày 06/4/1989 của UBND tỉnh An Giang.

Năm 2008, Trung tâm ĐYCCAG được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh công nhận là cơ sở dạy nghề. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh công nhận Trung tâm là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Y dược cổ truyền và tổ chức bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn – nghiệp vụ và đào tạo nghề Y dược cổ truyền.

Từ năm 2018, Trung tâm ĐYCCAG là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với Hội Đông y tỉnh ngày càng phát triển, Trung tâm không ngừng vươn lên để phát triển nền Đông y tỉnh nhà; đáp ưng nhu cầu khám chữa bệnh bằng Đông y châm cứu, kết hợp Đông Tây y; phát triển duy trì mạng lưới y học cổ truyền và nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm chữa bệnh hay - bài thuốc quý; dạy nghề, trồng, thu hái cây thuốc và bào chế sản phẩm từ dược liệu.

Những việc làm được trong thời gian qua:

1. Hoạt động khám chữa bệnh bằng Đông y, kết hợp Đông Tây y, không dùng thuốc

Trung tâm ĐYCCAG khám chữa bệnh trên 120.182 lượt trong đó chữa bệnh không dùng thuốc đạt tỷ lệ rất cao (91%), duy trì được vai trò chỗ dựa cho người bệnh mạn tính. Phòng Chẩn trị của Trung tâm cũng là cơ sở thực hành, thực tập cho hoạt động dạy nghề.

2. Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và dạy nghề Đông y khám chữa bằng Đông y và Châm cứu

Phối hợp 08/11 Hội thành viên: Tân Châu, Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Thành, Long Xuyên mở 20 lớp dạy nghề “Kỹ năng khám chữa bệnh bằng Đông y - Châm cứu” cho hơn 700 học viên là lao động nông thôn địa bàn An Giang được đồng bào, chính quyền tin cậy. Trong đó, có hơn 100 hội viên học liên thông lên y sĩ Y học cổ truyền.

- Phối hợp cùng Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng Tp. Hồ Chí Minh; Hội Người mù tỉnh tổ chức hai lớp dạy nghề kỹ năng Xoa bóp - Dạy ấn huyệt và cấp Chứng chỉ nghề cho 33 người khiếm thị trong tỉnh.

- Mời chuyên gia của Trường, Viện ở Tp. Hồ Chí Minh về tập huấn chuyên môn Y học cổ truyền theo các phác đồ của Bộ Y tế chuyên đề về các bệnh mạn tính không lây, Tác động cột sống, Đái tháo đường, Phụ khoa, Nhi khoa bằng Đông y.

3. Thừa kế và tiếp nhận chuyển giao phương pháp hay - bài thuốc quý của nền Đông y tỉnh nhà

- Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức 6 kỳ Hội nghị Thừa kế có 137 người tham gia cống hiến 219 bài tâm đắc, giúp củng cố nhận thức Thừa kế, phát huy, phát triển nền Đông y, nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp y dược cổ truyền ở các cấp Hội. Số lượng bài viết và thầy thuốc tham gia báo cáo tâm đắc tăng dần hàng năm, hoạt động cống hiến tâm đắc chuyển dần từ tự phát sang tự giác (Năm 2015: 18 bài viết/18 thầy thuốc; năm 2016: 22/22; năm 2017: 29/27; năm 2018: 46/444; năm 2019: 56/51 và năm 2020: 47/43)

 - Cử viên chức tham gia Hội nghị Khoa học y dược tại Đại học Bách Khoa, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh và Khoa Y trường ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Hội nghị Thừa kế, khoa học các tỉnh: Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Bến Tre, Gia Lai, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nghệ An.

Qua các kết quả trên, Trung tâm đã hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội Đại biểu lần thứ V Hội Đông y tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020; góp phần thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và mục tiệu nhiệm vụ do Trung ương đề ra: nòng cốt phối hợp tổ chức giáo dục nghề nghiệp Đông y - Châm cứu, nêu gương đạo đức nghề nghiệp, đào tạo Lương y cho tỉnh nhà. Hỗ trợ Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cây dược liệu và Y Dược cổ truyền./.

Bs. Trần Quang Thảo - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang

Văn phòng Sở Y tế An Giang