Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Thành quả loại trừ bệnh Phong quy mô cấp tỉnh – huyện giai đoạn 1989 – 2019 tỉnh An Giang và những năm tiếp theo

10:02 28/02/2020

1. Khái quát chung:

Bệnh phong được ghi nhận đã xuất hiện từ lâu trên khắp thế giới, là một bệnh bệnh nhiễm trùng mãn tính, ảnh hưởng trên một số thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp, đưa đến suy giảm chức năng cảm giác, vận động, đặc biệt là ở mắt, bàn tay và bàn chân, làm suy kiệt dần dần cơ thể bệnh nhân. Những hậu quả hủy hoại của bệnh phong trên cuộc sống của nhiều người bệnh bao gồm cả những suy giảm chức năng cơ thể, những giới hạn hoạt động và cách ly xã hội do kỳ thị. Bệnh tiến triển chậm chạp, mô hình dịch tễ của bệnh phải trải qua nhiều thập kỷ và tài liệu về bệnh phong nghèo nàn hơn các bệnh cấp tính khác. Với những thành quả của nền y học hiện đại ngày nay, bệnh phong đã được đẩy lùi và khái niệm là một trong tứ chứng nan y hay lời nguyền của đấng bề trên về bệnh phong không còn nữa. Đa số các quốc gia trên thế giới đã thực hiện loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, cấp huyện.

Chương trình phòng chống bệnh phong của tỉnh An Giang được triển khai thực hiện từ hơn 30 năm và được bao phủ đa hóa trị liệu toàn tỉnh năm 1989. Công tác khám phát hiện bệnh nhân phong được tiến hành bằng nhiều hình thức như: phân vùng dịch tễ, khám điều tra bằng phiếu có hình ảnh, khám điều tra thông thường ở những vùng có tỉ lệ lưu hành bệnh phong cao, khám tiếp xúc tại nhà và mở rộng khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Đến nay đã hoàn thành các tiêu chí loại trừ bệnh phong của Bộ Y tế.

 

Tình hình dịch tễ bệnh phong tỉnh An Giang

2. Công tác loại trừ bệnh phong tỉnh An Giang:

2.1 Loại trừ bệnh phong (LTBP) qui mô cấp tỉnh

Ngày 6/6/2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong (LTBP) ở quy mô cấp tỉnh và huyện. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh An Giang tiến hành cho kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong qui mô cấp tỉnh. Đối chiếu với thực tế tại các địa phương đã đạt được các tiêu chí quy định. An Giang đã đăng ký với Chương trình phòng chống bệnh phong Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện Da liễu TPHCM sẽ LTBP vào cuối năm 2014. Đã tập trung thực hiện các đầu việc cụ thể nhằm chuẩn bị cho thực hiện kế hoạch tổ chức kiểm tra công nhận loại trừ, cụ thể:

- Hoàn chỉnh các văn bản  trình Bộ Y tế và BV Da liễu Trung ương và văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo công tác kiểm tra công nhận LTBP trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức họp Ban Chỉ đạo kiểm tra công nhận LTBP tỉnh An Giang triển khai kế hoạch loại trừ bệnh phong và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh;

- Củng cố và họp các Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã để triển khai kế hoạch LTBP của tỉnh và lập kế hoạch kiểm tra công nhận LTBP tại địa phương;

- Tổ chức đợt tuyên truyền giáo dục sức khỏe về bệnh phong và LTBP tỉnh An Giang trong cộng đồng với qui mô toàn tỉnh.

- Hoàn thành báo cáo tổng kết công tác phòng chống bệnh phong giai đoạn 2011 – 2014 ở cấp tỉnh, cấp huyện và tất cả các xã thuộc diện được kiểm tra;

- Chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, ghi chép có liên quan… quản lý các hoạt động phòng chống bệnh phong theo từng năm từ tỉnh, huyện và xã;

-  Củng cố lại kết quả đã đạt được theo 04 tiêu chí. Phối hợp với BVDL TPHCM tổ chức kiểm tra thử trước tất cả các huyện, xã được chọn ngẫu nhiên để chấm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm.

Từ ngày 28 – 30/10/2014, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do PGS TS Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc BVDL Trung ương làm trưởng đoàn và BSCK2 Nguyễn Thanh Hùng PGĐ BVDL TPHCM đã tham gia chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra công nhận An Giang đạt tiêu chí LTBP qui mô cấp tỉnh loại xuất sắc theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT

2.2 Công tác LTBP qui mô cấp huyện, thị, thành phố

 2.2.1. Công tác xây dựng kế hoạch:

Thực hiện sự chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTV tỉnh ủy, CT UBND tỉnh An Giang về việc tiếp tục duy trì thành quả LTBP cấp tỉnh để tiến đến LTBP quy mô cấp huyện những năm tiếp theo. Ngành Y tế An Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện LTBP cấp huyện giai đoạn 2016 – 2020, với những giải pháp:

- Giải pháp chính sách, pháp luật bao gồm thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng kiểm tra LTBP quy mô cấp huyện, đưa kiến thức phòng chống phong, giảng dạy trong các trường THCS, phát động hưởng ứng và thực hiện đạt tiêu chí công nhận LTBP cấp huyện cho cả hệ thống chính trị tại địa phương;

- Giải pháp nguồn nhân lực củng cố, ổn định mạng lưới tại tuyến huyện và xã, phường, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về quản lý chương trình, có năng lực phát hiện bệnh mới, giám sát theo dõi, quản lý bệnh nhân phong;

- Giải pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh phong bằng nhiều hình thức phù hợp qua báo chí, truyền hình, truyền thanh, tranh ảnh, tờ rơi, áp phích, pano, tuyên truyền miệng, đưa kiến thức nguyên nhân, triệu chứng, tự phát hiện bệnh phong đến cộng đồng, không kỳ thị, xa lánh đối với người bệnh phong, tạo điều kiện để họ trở lại hòa nhập công đồng;

- Giải pháp chuyên môn kỹ thuật nâng cao chất lượng giám sát, quản lý bệnh nhân phong đang điều trị, đang được hướng dẫn săn sóc tàn tật tại nhà, tích cực khám phát hiện bệnh nhân mới tại khu vực dân cư có nguy cơ nhằm hạn chế tỷ lệ tàn tật, đưa vào đa hóa trị liệu, đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, củng cố hồ sơ, sổ sách, báo cáo;

- Giải pháp về kiểm tra, giám sát thường xuyên đánh giá hoạt động phòng chống bệnh phong các tuyến để nâng chất lượng hoạt động, vãng gia hướng dẫn săn sóc tàn tật, phát hiện bệnh nhân có chỉ định can thiệp phẫu thuật chuyển lên tuyến trên;

- Giải pháp xã hội hóa tuyến tỉnh tích cực tham mưu với Ngành, UBND tỉnh về chủ trương, tranh thủ đầu tư, hỗ trợ hoạt động đánh giá công nhận, TTYT các huyện, thị chủ động vận động sự phối hợp, hỗ trợ, tham gia của hệ thống y tế, chính quyền và ban ngành, đoàn thể các cấp trong các hoạt động LTBP, vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm... đóng góp hỗ trợ cho bệnh nhân phong tàn tật được tái hòa nhập với cộng đồng: về nhà ở, chăm sóc y tế khi bệnh tật, con cái đi học....

- Giải pháp về nguồn tài chính tận dụng các nguồn kinh phí từ kinh phí phân bổ cho Dự án phòng chống phong, hỗ trợ từ Sở Y tế, kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ thêm kinh phí của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tổ chức từ thiện....

2.2.2 Kết quả thực hiện:

- Xác định nội dung, yêu cầu cụ thể và cách thức thực hiện phạm vi toàn tỉnh trên cơ sở Thông tư số 17 của Bộ Y tế và tình hình thực tế từng địa phương;

- Thông qua 4 tiêu chí qui định LTBP cấp huyện:

+ Tiêu chí 1: Trong 03 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân.

+ Tiêu chí 2: 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng.

+ Tiêu chí 3: 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong.

+ Tiêu chí 4: 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.

-  Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch đối với các huyện, từ đó để các huyện đối chiếu tại địa phương mình và tự đăng ký thực hiện LTBP cấp huyện.

- Sau khi xem xét lại tình hình thực tế của mình, các địa phương đã quyết định đăng ký kiểm tra công nhận LTBP tại huyện, cụ thể là: Thành phố Châu Đốc năm 2017, Thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyên Phú Tân, huyện An Phú và huyện Tịnh Biên năm 2018 và Thị xã Tân Châu, huyện Tri Tôn, huyện Chợ Mới năm 2019.

- Công tác kiểm tra công nhận LTBP cấp huyện tại An Giang được tiến hành trong 3 năm, từ 2017 – 2019, từ Thành phố Châu Đốc là đơn vị đầu tiên thực hiện cho các địa phương còn lại học tập, rút kinh nghiệm, kế đến là Thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyên Phú Tân, huyện An Phú và huyện Tịnh Biên và sau cùng là Thị xã Tân Châu, huyện Tri Tôn, huyện Chợ Mới;

- Đoàn kiểm tra có sự tham gia chỉ đạo và giám sát của BV Da Liễu TPHCM. Như vậy, An Giang đã hoàn thành nhiệm vụ LTBP cấp huyện vào 2019, trước 1 năm so với kế hoạch.

3. Kế hoạch những năm tiếp theo:

Mục tiêu chung là duy trì thành quả đã đạt được, tiếp tục ổn định và phát triển hệ thống mạng lưới chuyên khoa, tích cực thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật tại cộng đồng, tạo tiền đề cho nhiệm vụ thanh toán bệnh phong sắp tới.

- Ổn định hệ thống cho mạng lưới phòng, chống phong tuyến huyện, xã, phường, thị trấn, tập huấn cập nhật và nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên trách.

- Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động phòng chống bệnh phong các tuyến để nâng chất lượng hoạt động, khám tiếp xúc phát hiện bệnh mới, vãng gia hướng dẫn chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.

 - Duy trì thường xuyên việc giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh phong trong cộng đồng, đưa kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng phát hiện, sự lây nhiễm, được miễn phí điều trị khỏi bệnh... xóa dần sự kỳ thị, xa lánh đối với người bệnh phong, tạo điều kiện để họ trở lại hòa nhập cộng đồng.

- Thực hiện vãng gia, tiếp cận, hỗ trợ bệnh nhân, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, dụng cụ phòng ngừa tàn tật... thực hiện định kỳ việc giám sát, lấy máu xét nghiệm, đánh giá chức năng thần kinh đối với bệnh nhân đang quản lý.

- Phối hợp tốt với hệ thống chính trị tại địa phương về chủ trương và vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm... đóng góp hỗ trợ cho bệnh nhân phong tàn tật được tái hòa nhập với cộng đồng: về nhà ở, chăm sóc y tế khi bệnh tật, con cái đi học...

Hiện tại, ta chỉ đạt được mục tiêu là loại trừ bệnh phong, loại trừ không có nghĩa là kết thúc không còn bệnh phong nữa. Nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn tiếp tục là làm sao để không còn bệnh phong trong cộng đồng, nghĩa là “Thanh toán bệnh phong” như ta đã làm với bệnh Đậu mùa, Bại liệt. Chúng ta vẫn cứ hy vọng và tích cực thực hiện theo nhiệm vụ được phân công của mình.

BS.CKI Huỳnh Mộng Hùng

TT Kiểm soát bệnh tật An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang