Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Nguy cơ khi sử dụng thực phẩm không an toàn

10:27 13/04/2021

Ngày nay, chúng ta không hiếm gặp các loại rau quả trái mùa như bắp cải, súp lơ....chỉ có vào mùa đông nhưng lại được bầy bán rất nhiều vào mùa hè và mùa thu, thậm chí còn xanh non hơn rau chính vụ. Hay những  trái cây chỉ có vào mùa hè nhưng vẫn có bán vào mùa đông hoặc có hầu như quanh năm. Đó là do những người trồng trọt đã dùng các hóa chất kích thích sinh trưởng không rõ nguồn gốc và các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao đã bị cấm sử dụng để phun và bảo quản rau, củ, quả. Cùng với đó, những người chăn nuôi cũng dùng những loại thuốc tăng trọng, chất kháng sinh không rõ nguồn gốc và không được kiểm soát chặt chẽ để nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm. Các hóa chất này đã tồn dư  trong sản phẩm và trở nên rất khó kiểm soát đối với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng ăn uống sử dụng các loại gia vị, phẩm mầu không được phép của Bộ Y tế để chế biến các món ăn  để hấp dẫn người tiêu dùng. Có ai biết được, phía sau những món ăn là một quá trình chế biến không hợp vệ sinh hay sử dụng nguyên liệu đã hết hạn. Một số loại thực phẩm thiết yếu khác cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng như: Các loại rượu dùng hàng ngày do các gia đình tự nấu và pha chế, rượu giả ở các cửa hàng ăn uống chứa độc tố methanol ở liều lượng cao gấp hàng chục lần cho phép mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng cảnh báo. Các loại hải sản, bánh kẹo, nước mắm, bún, bánh phở....chứa Foormol, phẩm màu, phụ gia mà người chế biến và buôn bán đã dùng để bảo quản thực phẩm để tránh ôi thiu và nấm mốc. Ngoài ra, có một thời một số sản phẩm được nhập lậu từ nước ngoài chứa một lượng lớn hóa chất độc hại vượt hàng chục, thậm trí hàng trăm lần ngưởng cho phép.

Khi tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn, con người đã phải trả bằng sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc. Nhưng có một số người tiêu dùng do điều kiện kinh tế hay hạn chế thông tin, nên ít quan tâm đến vấn đề này khi mua các thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau, củ quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt cá sẽ tích lũy dần trong các mô mỡ, tủy sống của con người là tiền đề để phát sinh các loại bệnh tật như ung thư, loãng xương, suy giảm trí nhớ và thoái hóa xương khớp. Trong thực tế thỉnh thoảng vẫn diễn ra các vụ ngộ độc thực phẩm: Nhẹ thì buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài, đau đầu...; thậm trí có nhiều vụ ngộ độc tập thể phải nhập viện hàng loạt để cấp cứu. Nhưng nguy hiểm hơn cả là vấn đề tích lũy dần rồi trở thành bệnh mạn tính hay làm suy yếu một thế hệ tương lai.

Trong thời gian qua nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt con người lẫn phương tiện giám định đồng bộ thực phẩm. Vì vậy tình trạng ngộ độc vẫn tiếp tục xảy ra và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người tiêu dùng. Việc cần làm ngay là đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng hàng kém chất lượng, hàng sử dụng chất kích thích, sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng, chế biến. Bên cạnh đó, chúng ta hãy chung tay hành động và tuyên truyền về an toàn thực phẩm để mang lại sức khỏe không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cả cộng đồng./.

                                                                                                           Nguyễn Minh Thời

                                                                                                             TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang