Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngộ độc do Botulinum và biện pháp phòng tránh

08:20 07/09/2020

Theo Vietnam net, trưa ngày 29/8/2020 Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn cấp, cảnh báo tình trạng ngộ độc trong thời gian từ 13/7 - 18/8, tại Hà Nội và TP. HCM đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh tại các tỉnh, thành phải nhập viện điều trị, trong đó Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. HCM (2 ca) sau khi ăn sản phẩm pate có nhãn hiệu Minh Chay.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu, một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong

Vi khuẩn Clostridium botulinum là một trực khuẩn có nha bào, kỵ khí tuyệt đối, có ở khắp nơi trong đất. Đặc biệt những nơi như đất vườn, nghĩa trang, nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong các loại rau quả, kể cả mật ong cũng có thể chứa loại khuẩn này. Chúng cũng có trong ruột của các động vật nuôi trong nhà, ruột cá, đôi khi có cả trong ruột người. Do vi khuẩn này có nhiều trong tự nhiên nên rất dễ nhiễm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Đặc biệt chúng có khả năng lây nhiễm và phát triển mạnh trong các loại thực phẩm như thực phẩm đóng hộp, xúc xích, lạp xưởng, sữa bột, phomat...Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là Botulinum bị coi là “chất độc khét tiếng số một thế giới”. Với liều 0,004μg/kg cân nặng, chất độc này có thể giết chết một người trưởng thành, 1 kg botulinum đủ khiến 1 tỷ người tử vong. Chất độc này mạnh gấp 10.000 lần chất cực độc Kali Xyanua, thậm chí nguy hiểm hơn cả nguyên tố phóng xạ “mạnh nhất hành tinh” Polonium.

Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ chính là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 tới 36 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao. Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bệnh bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày, viêm ruột. Tuy nhiên, nếu lượng độc tố ít, triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ. Sau giai đoạn khởi bệnh, độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Ngoài ra còn có biểu hiện trên các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).

Nặng hơn nữa, bệnh nhân có các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên, người bệnh không nhấc đầu lên được, sau đó không đứng hay ngồi dậy được. Bệnh tiếp tục tiến triển nặng có thể liệt toàn thân, trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối, bệnh nhân thường khó thở, rối loạn nhịp thở, tỷ lệ tử vong 30-60% do suy hô hấp. Bệnh nhân tử vong do ngộ độc Botulinum có điểm rất đặc biệt là khi chết mắt đã nhắm do liệt cơ, nhưng đầu óc lại hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được hết những gì đang diễn ra xung quanh.

Vi khuẩn Clostridium botulinum rất sợ axit và nhiệt, đặc biệt kị khí. Chúng không thể phát triển mạnh ở những nơi có thông gió tốt, môi trường đủ oxy. Ngược lại, càng thiếu không khí và oxy, loại vi khuẩn này càng sinh sôi mạnh. Ở điều kiện dưới 15 độ C hoặc trên 55 độ C, Clostrium botulinum không thể phát triển và sinh độc tố. Vì vậy, mọi người nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, tốt nhất là nấu chín thức ăn. Bên cạnh đó, để phòng tránh ngộ độc, biện pháp quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ về An toàn thực phẩm từ lúc nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, cho đến cuối cùng là sử dụng thức ăn. Hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn mật ong, đã có nhiều trường hợp ngộ độc do trẻ em ăn mật ong bị ô nhiễm. Giữ vết thương sạch sẽ, chăm sóc vết thương thích hợp và không sử dụng thuốc gây nghiện để giúp giảm nguy cơ ngộ độc liên quan đến vết thương. Đặc biệt, mọi người cần tìm hiểu về ngộ độc Botulinum để có cách phòng tránh; nhận biết những dấu hiệu ngộ độc Botulinum sau ăn để đi khám và điều trị kịp thời./.

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang