Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng ngừa đột quỵ

02:47 14/04/2021

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây mất năng lực hành vi con người và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trên thế giới. Hàng năm, có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ, 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Còn tại Việt Nam: mỗi năm có khoảng trên 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Tại An Giang: ước tính mỗi năm có khoảng 4.000 ca đột quỵ, 2.000 ca tử vong.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng chết đột ngột một số tế bào não do thiếu oxy khi lượng máu đến não bị mất do tắc nghẽn hoặc vỡ của một động mạch đến não.

Nếu người bị đột quỵ đến bệnh viện trễ, dù có được điều trị qua cơn nguy kịch, cứu được mạng sống thì cũng để lại những di chứng về sau, giảm chất lượng cuộc sống và là gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, phát hiện sớm đột quỵ và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện rất cần thiết. Các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ bao gồm:

- Mặt bị méo một bên, miệng bị méo một bên, biểu hiện rõ khi người bệnh cười hoặc nhe răng.

- Yếu, liệt tay chân: đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc bị liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên cao. Bên bị liệt sẽ không giơ lên được hoặc giơ lên nhưng không giữ lâu được.

- Ngôn ngữ bất thường: đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có lặp lại được không? nhận xét giọng nói có bị đơ đớ không?

Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, hãy gọi ngay xe chuyển bệnh để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngày lập tức.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ:

- Kiểm soát huyết áp: nếu huyết áp cao phải dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo dõi huyết áp hàng ngày.

- Kiểm soát đường máu: Nếu bị tiểu đường, hãy kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách kiêng đường và uống thuốc theo toa bác sỹ.

- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim: như rối loạn nhịp tim (đặc biệt là bị rung nhĩ), các tổn thương van tim, nhồi máu cơ tim và bệnh lý cơ tim.

Thay đổi lối sống:

- Giảm cân: người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn nhiều chất béo, kiểm soát tốt cân nặng, không để lên cân, ngăn ngừa tình trạng béo phì. Ăn nhạt, chế độ ăn ít muối, dưới 5g/ngày (1 muỗng cà phê tương đương 5g muối). Ăn thêm nhiều hoa quả và rau tươi để bổ sung thêm kali.

- Tập thể dục: thường xuyên, đều đặn. Mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích.

- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia: nếu người bệnh đang hút thuốc lá và uống rượu bia thì tốt nhất là bỏ thuốc lá, còn rượu bia nếu bỏ được càng tốt, ít nhất cũng phải hạn chế đến mức tối đa có thể kiêng được.

Tóm lại: đột quỵ là tình trạng bệnh lý nặng, tỉ lệ tử vong và tàn phế cao, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thân nhân người bệnh, để lại hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa được bằng cách tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành y tế./.

Bs. Văn Hiển Tài - Khoa TT-GDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang