Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Vì sao virus SARS-CoV-2 lần này đáng sợ?

08:33 08/04/2020

Vì sao virus SARS-CoV-2 lần này đáng sợ? Hỏi rất nhiều người quen vì sao lần này sợ virus SARS-CoV-2 đến thế thì hơn mười người bảo rằng vì nó nguy hiểm, dễ lây, dễ gây chết người.

Hỏi tiếp vì sao nó lại dễ gây chết người thì hơn cả chục người ấy đều ú ớ. Người bảo vì nó gây viêm phổi, người bảo đến bác sĩ phát hiện ra nó còn chết kìa. Tóm lại, là một nỗi lo âu rất “phần ngọn”.

Chúng ta thường nghĩ về nhiễm trùng đường hô hấp do virus, như cảm lạnh thông thường, là những phiền toái nhẹ xảy ra trong một vài ngày. Nhưng SARS-CoV-2 đã được chứng minh là khác. Trong số những người bị nhiễm, khoảng 2% được báo cáo là đã tử vong nhưng tỷ lệ tử vong thực sự vẫn chưa được biết. Chúng thường gây ra viêm phổi, nhiễm trùng phổi tạo ra mủ và chất lỏng và làm giảm khả năng hấp thụ oxy của phổi, dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố vào ngày 24 tháng 1 trên tờ The Lancet, một tạp chí y khoa, đã tìm thấy cái mà nó gọi là "cơn bão cytokine" ở những bệnh nhân bị nhiễm bệnh nặng. Tình trạng này là một phản ứng miễn dịch nghiêm trọng, trong đó cơ thể tạo ra các tế bào miễn dịch và protein có thể phá hủy các cơ quan khác. Một số chuyên gia nói rằng điều này có thể giải thích cái chết ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Thống kê từ Trung Quốc cho thấy một số người ở độ tuổi 30-50, những người không được biết là có vấn đề y tế trước đó, cũng đã chết vì căn bệnh này.

Một bài viết trên The Conversation đã giải thích vừa dễ hiểu vừa thấu đáo về vấn đề này. Theo bài báo, trong số 99 người đầu tiên bị viêm phổi nặng do nhiễm virus SARS-CoV-2, có đến 3/4 là viêm cả hai lá phổi. Khoảng 14% số đó có phổi bị tổn hại do hệ miễn dịch gây, 11% có bị suy đa cơ quan do nhiễm trùng huyết, một số khác có nguy cơ biến chứng trong thời gian điều trị tại bệnh viện, thí dụ nhiễm chồng thêm vi khuẩn khác.

Nhìn chung, có bốn cách chính mà virus SARS-CoV-2 có thể gây ra bệnh nặng - và một số có thể xảy ra cùng một lúc. Và có bốn cách tàn phá chính của virus này, trực tiếp hoặc gián tiếp, diễn ra riêng biệt nhưng có khi đồng thời, đến lúc ấy có nghĩa là rất nặng.

1. Virus trực tiếp gây tổn thương

Ngay từ đầu, các nghiên cứu đã thấy khi vào cơ thể người, virus SARS-CoV-2 gắn với một thụ thể đặc hiệu có trong mô phổi. Cơ chế này giống hệt như “chìa khóa gặp ổ khóa”, cho phép virus chui thẳng vào tế bào. Virus “cướp” luôn bộ máy hoạt động của tế bào chủ, khiến tế bào chủ phải làm thêm nhiều bản sao virus. Đến một lúc virus chiếm trọn, làm tế bào cạn kiệt đến chết.

Trong lúc đó, hệ miễn dịch nhận ra cơ thể có nhiễm trùng, lập tức phát động một cuộc tấn công vào cả virus lẫn tế bào mang virus. Nếu số lượng tế bào chết của một cơ quan (thí dụ thận) là quá lớn, cơ quan ấy không thể vận hành được nữa. Người ta ngờ rằng ngoài phổi, SARS-CoV-2 còn có thể gây tổn hại nhiều cơ quan khác, cũng theo cơ chế “chiếm đoạt” và buộc hệ miễn dịch phải “tàn sát” như trên.

2. Viêm phổi

Đợt dịch này diễn ra quá ào ạt, các nhà khoa học vẫn còn đang tìm hiểu mối quan hệ giữa SARS-CoV-2 và viêm phổi trước khi đưa ra một báo cáo thật chính xác. Trong lúc đó, bài báo đề xuất ta nên học hỏi lại từ các trường hợp viêm phổi trong cúm thông thường do influenza.

Influenza là một virus gây cúm mùa. Thường sau khi nhiễm influenza, người ta sẽ sốt, sổ mũi, ho và nhiều người sau đó viêm phổi, được coi là một nhiễm trùng thứ phát.

Người ta cho rằng đó là do virus influenza làm yếu cơ chế bảo vệ thông thường của phổi, khiến các vi khuẩn khác có thể ăn theo mà tràn vào, nhân rộng. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, người già yếu hoặc những người có hệ miễn dịch vốn ọp ẹp sẵn.

Cúm mùa do influenza không quá nghiêm trọng, nhưng viêm phổi thứ phát do vi khuẩn sau đó mới là đáng sợ. Trong số bệnh nhân cúm nặng nhập viện rồi viêm phổi, có đến 10% tử vong, so với tỉ lệ tử vong 2% của người cúm nặng mà không viêm phổi. Dịch bệnh có vẻ đã gây viêm phổi theo hai cách: một là virus chiếm lấy mô phổi như đã nói ở trên, và hai là thông qua nhiễm tiếp một vi khuẩn khác. Tuy nhiên, cách đầu có vẻ phổ biến hơn.

3. Nhiễm trùng huyết

Đây là một tình trạng rất nghiêm trọng gặp ở nhiều loại nhiễm trùng.

Khi bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch trong cơ thể phát động một chiến dịch chống trả tác nhân gây bệnh. Nhưng đôi lúc hệ miễn dịch đánh mạnh quá khiến chính các nội tạng bị tổn hại và suy sụp. Đây là điều vẫn xảy ra trong nhiễm trùng huyết.

Mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 11% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng là có nhiễm trùng huyết với suy đa tạng, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa xác định chính xác trong mắc COVID-19, việc nội tạng bị tổn hại là do virus trực tiếp gây ra hoặc do hệ miễn dịch phản ứng quá đà.

Hiện tại chưa có thuốc men hay can thiệp đặc hiệu nào cho người mắc COVID-19. Người ta đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau, nhưng số người tử vong vẫn tiếp tục mỗi ngày.

4. Biến chứng khi nằm viện

Cuối cùng, bệnh nhân cần được chăm sóc ở bệnh viện có thể gặp phải biến chứng. Đó là nhiễm khuẩn từ các ngả khác nhau (truyền dịch, tiêm thuốc, đặt thông tiểu), rồi viêm phổi, loét do nằm lâu…

Các nghiên cứu cho thấy có 10% bệnh nhân nằm viện bị nhiễm khuẩn thứ phát, và 5% bị loét do nằm, đặc biệt là những bệnh nhân già yếu hoặc cử động kém, mặc cho các bệnh viện đã cố gắng hết sức trong khử trùng thiết bị, vệ sinh phòng ốc để ngăn biến chứng.

Cuối cùng, biết những điều căn bản trên không phải để rồi quá lo lắng đến nỗi ngưng trệ hết mọi việc. Ai cũng biết tinh thần là quan trọng, lo sợ quá sẽ làm cho hệ miễn dịch yếu ớt. Phòng bệnh là quan trọng và một trong những cách phòng bệnh tốt nhất là giữ cho tinh thần lành mạnh.

Một môi trường hiện đại và người đông nhung nhúc rồi sẽ còn xuất hiện nhiều loại virus mới, nhiều trận dịch “quái gở” khác. Vậy nên cuối cùng, vũ khí ban đầu để tự vệ chính là kiến thức (dù chỉ ở mức căn bản) và sự vững vàng, bình tĩnh của mỗi người.

Tài liệu tham khảo:

1. How does the Wuhan coronavirus cause severre illness? - The Conversation

2. With viruses like flu and coronavirus, pneumonia often delivers the fatal blow - Stacey Burling - Philadelphia Inquirer.

BS. SalayMan

Trung tâm Y tế thành phố Châu Đốc

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang