Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Cách lựa chọn thực phẩm an toàn và ăn uống trong những ngày tết

10:07 19/01/2020

“Tết” là ngày sum họp gia đình, họp mặt bạn bè. Vào những ngày này thì các bà, cô, các anh và chị nội trợ thường mua và dự trữ nhiều thức ăn ở trong nhà. Do đó, các bà, cô, các anh và chị nội trợ cần phải chú ý đến một số điều về chọn lựa và bảo quản thực phẩm trong những ngày tết.

1. Chọn thực phẩm tươi, sống:

- Thịt: Chọn loại da mỏng, mỡ dày bóng, mắt trắng, nạc màu hồng, không chọn loại thịt nhão, màu sẫm, không có dấu kiểm dịch. Phòng ngừa tình trạng bị bơm nước, thịt ướp màu, hoá chất không rõ xuất xứ. Ngoài ra, tránh mua thịt bò, thịt heo, gan có sán. Nên mua ở những sạp quen có thương hiệu, không mua những chỗ lạ và không có sạp cố định, không nên mua những thực phẩm giá quá rẻ.

- Cá: Các loại cá tươi thì mang cá khép chặt, mắt cá lồi sáng, không đục, thân cá chắc, có tính đàn hồi, ấn vào rồi buông ra không để lại vết lõm trên thân.

- Rau quả tươi: Cách lựa chọn chủ yếu là căn cứ vào thời vụ và mức độ tươi. Để tránh rau quả tươi còn chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu. Tốt hơn hết khi mua rau quả thì không nên chọn trái cây dập nát vì có nguy cơ nhiễm khuẩn, ăn xong dễ bị tiêu chảy, các loại rau quả mua về trước khi dùng cần rửa ít nhất qua 03 lần nước sạch (hoặc rửa nhiều lần càng tốt) để giảm nguy cơ tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật. “Không” nên ăn những loại rau đậu khi xào nấu bốc mùi khác thường, “không” nên mua những loại hạt có vỏ nhăn nheo, chỉ nên chọn hạt vỏ nhẵn, màu hồng đều.

2. Thực phẩm chế biến sẵn:

- Phẩm màu: Kẹo mứt thường sử dụng phẩm màu để thu hút khách mua. Một số người sản xuất thường sử dụng phẩm màu thực phẩm đạt tiêu chuẩn bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, khi mua kẹo mứt ngày Tết nên chọn sản phẩm có thương hiệu của những cơ sở lớn, ít ra độ tin cậy cũng cao hơn, không nên mua những thực phẩm được nhuộm màu quá sặc sỡ. Nếu chế biến ở nhà, tốt hơn hết vẫn là dùng màu sắc thiên nhiên như nghệ cho màu vàng, gấc cho màu đỏ cam, lá dứa cho màu xanh, ….

- Cảnh giác trước các phụ gia cấm dùng: đó là hàn the, các chất đường hoá học saccarin, cyclamat thường hiện diện trong các loại bánh mứt kẹo để gia tăng độ ngọt mà giá thành rẻ hơn nhiều nếu sử dụng đường mía.

Với thực phẩm chế biến sẵn, tốt hơn hết vẫn là mua của những công ty, xí nghiệp lớn, có quy trình sản xuất, được kiểm tra chất lượng, môi trường sản xuất hợp vệ sinh, hơn là từ những cơ sở thủ công mà việc kiểm tra chất lượng khó tiến hành.

3. Tránh những thức ăn khó tiêu và ít bổ trong các ngày Tết:

Bữa ăn có nhiều đạm, nhiều chất béo thì rất dễ bị chậm tiêu hóa, mà người ăn lại cố gắng ăn nhiều, uống cho no theo quan niệm truyền thống “Ba ngày xuân” không để thiếu thốn rồi thiếu luôn cả năm sao, nên các cô - các chị nội trợ thường lo xa và chịu khó tích trữ thực phẩm. Dẫn đến ăn không hết bỏ thì lãng phí nên phải hâm hoặc chiên lại nhiều lần, ví dụ như món ăn bánh chưng xanh, bánh tét chiên,… lúc này chất bổ dưỡng trong thức ăn đã bị phân hủy đi một ít và hệ lụy là làm cho quá trình tiêu hóa của cơ thể gặp khó khăn, khả năng no hơi, chướng bụng và tiêu chảy có thể xảy ra.

“Đón Tết” “Vui xuân”, nhưng chúng ta không quên giữ gìn sức khoẻ, một vài hiểu biết vừa nêu trên về an toàn vệ sinh thực phẩm ăn, uống trong những ngày xuân hy vọng sẽ góp phần hạn chế một số bệnh của đường tiêu hóa thường gặp trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Tết đến, xuân về xin kính chúc người, người,..  nhà, nhà,.. và bạn đọc gần xa cùng gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.                                                             

Bs CKI. Phạm Hồng Thanh

Tổ TT-GDSK, TTYT Tp. Long Xuyên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang