Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Đôi dòng về căn bệnh HIV/ AIDS

03:17 27/11/2020

Hơn 30 năm đương đầu với HIV/AIDS- căn bệnh của thế kỷ, ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống. Tuy nhiên, số người mới nhiễm HIV được phát hiện hàng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng ma túy, người mua bán dâm, giới đồng tính. Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. 

Căn bệnh thế kỷ nói trên có nhiều đường lây lan như tiêm chích không an toàn, lây từ mẹ sang con, đời sống tình dục không lành mạnh.. Nếu thiếu kiến thức  dẫn đến xem căn bệnh này chỉ là của ai đó, không liên quan đến mình, không có những biện pháp phòng ngừa triệt để thì thần chết vẫn có thể đến gõ cửa mỗi chúng ta và từng nhà. Vậy, mỗi chúng ta phải lên tiếng, phải cảnh báo với mọi người về nguy cơ lây nhiễm căn bệnh quái ác này đế mọi người tích cực phòng tránh. Phải có cái nhìn đúng đắn và thái độ đối xử đúng với những người nhiễm HIV. Phải coi họ như những người không may bị nhiễm căn bệnh mà đến nay y học chưa tìm ra thuốc ngừa và điều trị đặc hiệu.

Thực tế hiện nay có một số trẻ tuổi quen lối sống buông thả, hưởng thụ, ham chơi lại thiếu vốn sống nên họ dễ hấp thu văn hóa phẩm không lành mạnh và bị cuốn vào những tệ nạn xã hội. Vì thế HIV càng có cơ hội cao hơn xâm nhập vào giới trẻ, đẩy họ đi đến những hố sâu của vực thẳm, rơi vào những cái bẫy sai lầm mà không hề hay biết. Đã có bao thanh niên sa vào con đường nghiện ngập, nhiểm HIV, tù tội không lối thoát. Từ đó, đang dần dần hủy hoại sức khỏe, hủy hoại tương lai và cuộc sống của mình. Đâu chỉ vậy HIV còn được xem là kẻ thù của toàn xã hội bởi số người nhiễm HIV đa số ở lứa tuổi lao động. Khi nhiều người bị nhiễm HIV và bị chết vì AIDS sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của từng gia đình, cộng đồng và của đất nước. Bên cạnh đó, chi phí cho công tác phòng chống HIV cũng rất tốn kém. Ngoài ra khi mọi người sợ hãi, né tránh dễ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử. Cuộc sống của gia đình có người bị nhiễm HIV sẽ trở nên khó khăn, xuất hiện nhiều mâu thuẫn.  Đó cũng là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học hành, lao động v.v… Sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn đưa những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV. Vì lẽ đó, HIV vẫn đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi

Những người nhiểm HIV nếu được điều trị vẫn có thể kéo dài cuộc sống. Nên họ vẫn trân trọng cuộc sống của họ, trân trọng tất cả những gì họ có và tồn tại trên cuộc đời này. Vậy mà nhiều người lại tỏ ra xa lánh, hắt hủi, kì thị, cô lập…và dần đẩy họ ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống, nhẫn tâm và vô tình dập tắt ngọn lửa cuối cùng còn sót lại le lói trong tim để họ tin vào cuộc đời. Vậy tại sao chúng ta lại không thể mở lòng, không thể trao cho họ những tình cảm chân thật nhất. Một lời động viên; an ủi đối với những người nhiễm HIV sẽ tích thêm năng lượng đề họ sống mạnh mẽ, lạc quan hơn. Hãy sát cánh bên nhau với bàn tay ấm nóng tình thương, tay trong tay cùng nhau vượt qua mọi thử thách để họ quên đi sự sống trong sự đe dọa của căn bệnh HIV. Biết đâu những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại trở thành món quà vô giá, thắp thêm niềm tin để họ vững bước trong phần đời còn lại./.

                                                                                             Nguyễn Minh Thời

                                                                                                TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang