Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Thừa cân béo phì gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

10:18 04/06/2020

Trong xã hội hiện đại, tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia.

Vài thập niên qua, đất nước nước ta phát triển rất mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đời sống nhân dân ta ngày càng được nâng cao, tình trạng thiếu dinh dưỡng ngày một giảm đi thì ngược lại tình trạng thừa dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự dư thừa cân nặng dẫn đến thừa cân, béo phì; làm thế nào để biết được bạn có bị thừa cân, béo phì? Có nhiều cách tính để biết thừa cân, béo phì, nhưng phổ biết nhất là dựa vào cách tính thừa cân, béo phì của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dựa theo Chỉ số chuẩn đánh giá thừa cân, béo phì người châu Á: Chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét), để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người trưởng thành.

Công thức tính chỉ số BMI = cân nặng / (chiều cao)2

* Phân loại thừa cân, béo phì ở người lớn theo BMI của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO)

 

Phân loại

WHO BMI (kg/m2)

IDI & WPRO BMI (kg/m2)

Cân nặng thấp (gầy)

< 18,5

< 18,5

Bình thường

18,5 - 24,9

18,5 - 22,9

Thừa cân

> 25

> 23

Tiền béo phì

25 - 29,9

23 - 24,9

Béo phì độ I

30 - 34,9

25 - 29,9

Béo phì độ II

35 - 39,9

> 30

Béo phì độ III

> 40

 

 

Như vậy, theo phân loại thừa cân, béo phì cho cộng đồng các nước châu Á thì người Việt Nam chúng ta chỉ nên có BMI từ 18,5 - 22,9. Người được coi là thừa cân nếu BMI > 23 và béo phì khi BMI > 24.9. Thông thường đối với các bạn gái trẻ chỉ số BMI lý tưởng nhất là từ 18,5 - 20. Còn đối với phụ nữ trung niên và người lớn tuổi thì chỉ số BMI lý tưởng là 20 - 22.

Nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Các nhà dịch tễ học nhận định rằng xu hướng gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng, có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.

Béo phì cũng liên quan đến yếu tố gia đình do có cùng đặc điểm về lối sống, được thể hiện qua việc trẻ dễ bị thừa cân khi có cha hoặc mẹ bị thừa cân, béo phì.

Người thừa cân béo phì, đặc biệt là bị béo phì mức độ càng nhiều không chỉ có thân hình nặng nề, giảm nét thẩm mỹ, bị mệt mỏi thường xuyên, ăn xong lại tìm chỗ nghỉ rồi ngủ, đi lại chậm chạp khó khăn, vận động mau mệt nên không muốn vận động... tạo thành vòng lẫn quẩn giữa béo phì và nhiều bệnh mạn tính đang mắc phải. Các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, bước đầu đã phát hiện ra những bệnh, hành vi làm giảm tuổi thọ nhiều nhất (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp) là béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá, huyết áp cao và cholesterol cao.

Thời gian xuất hiện thừa cân béo phì càng lâu, chỉ số BMI càng lớn thì yếu tố nguy cơ càng cao và cũng là bạn đồng hành của nhiều bệnh không lây nhiễm, những bệnh thường gặp như sau:

- Hệ tim mạch: rối loạn chuyển hóa mỡ máu gây xơ vữa mạch máu tiến triển thầm lặng gây hẹp, tắc mạch máu rồi xảy ra đột quỵ não hoặc đột quỵ tim rất đột ngột; tăng huyết áp; nhồi máu cơ tim; tai biến mạch não; hẹp tắc động mạch chi. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân, trong đó rất nhiều trường hợp là biến chứng của bệnh béo phì.

- Hệ nội tiết, chuyển hóa: tăng acid uric gây bệnh gút; tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường type 2; phụ nữ kinh nguyệt không đều, suy giảm sinh dục; có khoảng 35% - 75% nam giới mắc bệnh béo phì bị rối loạn cương dương hay thậm chí là bị liệt dương, nguy cơ vô sinh.

- Bệnh cơ, xương khớp: thường xuyên đau cơ, tê mỏi tay chân, thoái hóa khớp, loãng xương, đau thắt lưng khi trọng lượng cơ thể tăng quá mức so với bình thường thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là khớp sống lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Bệnh nhân ít khi hiểu được thừa cân béo phì làm cho bệnh cơ, xương khớp tiến triển ngày càng nặng thêm, họ thường xuyên uống thuốc giảm đau lặp đi, lặp lại dễ gây viêm loét dạ dày-tá tràng; tổn thương thận, tim, gan, máu.

- Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

- Bệnh về cơ quan tiêu hóa: thường xuyên gặp phải ợ nóng, trào ngược dạ dày-thực quản, rối loạn tiêu hóa, sỏi túi mật, sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ đến sớm do lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan.

- Hệ thần kinh: mất ngủ, ngủ ngáy rất to, suy giảm trí nhớ có nguy cơ bị bệnh Alzheimer, dễ cáu gắt, trầm cảm.

- Bệnh ung thư: một số bệnh ung thư như ung thư thực quản, ung thư trực tràng, ung thư gan mật, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư thận. Ngoài ra, một số người đang sở hữu thừa cân béo phì nhưng hiện tại họ cảm thấy vẫn khỏe mạnh nên không quan tâm nhiều đến việc khắc phục thừa cân, béo phì. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh rất rõ ràng hệ lụy giữa thừa cân, béo phì gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây nhiễm nghiêm trọng nêu trên.

Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn. Vì vậy mỗi người cần phải có những hiểu biết về thừa cân, béo phì để có một lối sống lành mạnh, một thói quen ăn uống hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Để có sức khỏe tốt bạn nên luôn giữ cho mình có một cân nặng lý tưởng và một thân hình cân đối thông qua một chế độ dinh dưỡng cân đối, nghiêm túc và lao động, tập luyện hợp lý thường xuyên phù hợp với sức khỏe, bệnh tật và hoàn cảnh.

Để khắc phục thừa cân béo phì, đặc biệt là bệnh béo phì không phải là dễ dàng, đòi hỏi bản thân bệnh nhân phải tâm huyết và bằng nhiều phương pháp giảm cân khoa học mới có thể khắc phục được. Xin giới thiệu một khuyến cáo về khắc phục thừa cân, béo phì:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch giảm cân hợp lý cho từng cá nhân.

- Giảm cân một cách từ từ, giảm trung bình từ 1-3 kg/tháng, đảm bảo giảm cân nhưng vẫn khỏe mạnh.

- Hạn chế ăn những chất bổ dưỡng, hạn chế ăn các loại chất béo nhất là chất béo bão hòa, hạn chất những thức ăn nhanh, thức ăn làm sẵn, các thực phẩm đóng hộp.

- Hạn chế ăn đường và muối.

- Tăng cường ăn rau xanh và trái cây ít ngọt.

- Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút/buổi/ngày đối với người trưởng thành.

Yếu tố nguy cơ và thời gian có thể xảy ra các bệnh

của người thừa cân béo phì ngắn hơn so với

người có trọng lượng cơ thể bình thường

 

Bs. Nguyên Văn Khanh

Khoa khám bệnh ngoại trú, TTYT Tp. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang