Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Thị xã Tân Châu: Hướng đến loại trừ bệnh Phong năm 2019

10:33 26/04/2019

Chương trình phòng, chống bệnh Phong được triển khai tại Tân Châu từ năm 1989, trãi qua 30 năm (1989 - 2019), thị xã Tân Châu đã phát hiện tổng số 11 bệnh nhân.

Tổng số 11 bệnh nhân (06 bệnh nhân được chăm sóc tàn tật độ II) gồm phường Long Hưng 02 (tàn tật 01), phường Long Phú 03 (tàn tật 01), phường Long Sơn 01 (tàn tật 01), xã Phú Vĩnh 01 (tàn tật 01), xã Lê Chánh 01, xã Long An 01 (tàn tật 01), xã Tân Thanh 01 và xã Vĩnh Hòa 01 bệnh nhân (tàn tật 01). Tất cả bệnh nhân tàn tật được huấn luyện tự chăm sóc hàng ngày, được hỗ trợ giầy, kính, ủng, thuốc chống khô da, bông băng, thuốc điều trị hỗ trợ…

Riêng trong 03 năm liên tục, từ năm 2016 đến 2018, mỗi năm thị xã Tân Châu phát hiện thêm 01 bệnh nhân Phong mới, do bệnh nhân tự đến Trung tâm Y tế để khám, khi phát hiện có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Phong như:

- Trên da, xuất hiện những vết đỏ hồng, đôi khi vết dát trắng bạc màu hoặc ít hơn nữa là dát sẫm màu, tồn tại lâu; dát đỏ, giới hạn rõ hoặc không rõ, không gồ cao trên mặt da.

- Mảng củ: đám mảng đỏ, giới hạn rõ, có bờ gồ cao, bờ có củ nhỏ hoặc củ to lấm tấm bằng đầu tăm, hạt đỗ, hạt ngô để lại sẹo.

- Mảng cộp (u phong): đám đỏ sẫm gồ cao trên mặt da, bóng, giới hạn không rõ, ấn vào cộp lên, hay ăn vào lông mày, trán, gọi là bộ mặt như sư tử, gặp trong thể phong u.

- Giảm, mất cảm giác đau và nóng lạnh ở trên đám tổn thương, dát đỏ, mảng củ hay mảng cộp, hoặc mất cảm giác đau ở hai cẳng bàn tay, cẳng bàn chân, phát hiện bằng châm kim và thử cảm giác bằng cách áp ống nước nóng, nước lạnh.

- Tổn thương thần kinh vận động, gây liệt cơ và teo cơ, có thể gặp nhiều biểu hiện khác nhau. Ở mặt, có thể thấy mất khả năng nhắm mắt và cơ mặt mất tính linh hoạt, tạo nên vẻ mặt đơ ra như “mặt nạ”, ở chi, có thể thấy hiện tượng “bàn tay quắp” và “bàn chân thõng” ở những mức độ khác nhau do thần kinh ngoại vi tổn thương khiến bàn tay, bàn chân không cử động, cứng lại, co quắp, bệnh nhân đi lại khó khăn và không cầm đồ vật được.

- Loét ổ gà thường ở bàn chân nơi tỳ nén do rối loạn thần kinh dinh dưỡng, do sang chấn không biết đau, loét sâu dai dẳng và nhiễm độc khó lành.

- Rụng lông mày là triệu chứng hay gặp và quý giá.

Nhiều năm qua, các phác đồ điều trị bằng liệu pháp đa hóa của tổ chức Y tế thế giới đã được ứng dụng và có hiệu quả tốt, đây là những biện pháp đơn giản trong liệu pháp vật lý, vận động thể dục để phòng và chữa tàn phế cho bệnh nhân phong. Ngày nay, bệnh phong không còn nguy hiểm nữa, bệnh nhân phong có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và bệnh nhân uống thuốc đúng theo hướng dẫn.  

Thực hiện Kế hoạch số 1622/SYT-NVY, ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Sở Y tế An Giang về việc loại trừ bệnh Phong quy mô cấp huyện, ngay từ những tháng cuối năm 2018, cùng với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh An Giang, thị xã Tân Châu đã có những hoạt động tích cực, chủ động hướng đến công nhận loại trừ bệnh Phong cấp huyện, trong 6 tháng đầu năm 2019.

Để triển khai, thực hiện đạt yêu cầu các tiêu chí đánh giá một cách tuyệt đối, UBND thị xã Tân Châu đã ban hành Kế hoạch số 1011/KH-UBND, ngày 26/9/2018 “Kế hoạch tổ chức thực hiện loại trừ bệnh Phong quy mô cấp huyện năm 2018-2019”; Sở Y tế tỉnh An Giang cũng ban hành Kế hoạch số 507/KH-SYT, ngày 19/02/2019 “Kế hoạch loại trừ bệnh Phong quy mô cấp huyện năm 2019”.

Theo đó, Trung tâm Y tế Tân Châu cũng đã tham mưu, tổ chức tập huấn cho lực lượng Y tế, cán bộ ban ngành, đoàn thể xã, phường; Giáo viên các Trường học trên địa bàn, tổng số tập huấn được 03 cụm, có 477 người tham dự. Phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo Thị xã xây dựng Giáo án giảng dạy về bệnh Phong, giúp các Trường THCS có tài liệu để phổ biến, chuyển tải kiến thức bệnh Phong, giúp cho tất cả Giáo viên, học sinh trên địa bàn, hiểu đúng, hiểu đầy đủ và vững chắc về bệnh Phong, để đạt mục tiêu thị xã Tân Châu được công nhận Loại trừ bệnh Phong vào tháng 5/2019.

Song song với hoạt động tập huấn, xây dựng Giáo án giảng dạy về bệnh Phong, Trung tâm Y tế Thị xã còn tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các Trạm Y tế thực hiện đầy đủ các Tiêu chí của Bộ Y tế về Loại trừ bệnh Phong, tổ chức giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện của từng đơn vị, phối hợp với các Trường Trung học cơ sở trên địa bàn để nói chuyện chuyên đề, phòng chống bệnh Phong, trong đó nhấn mạnh các tiêu chí đánh giá, giúp các em học sinh tự tin, bình tỉnh và trả lời đúng 100% các câu trắc nghiệm liên quan đến bệnh Phong.

Với những hoạt động đã và đang thực hiện, tin rằng thị xã Tân Châu sẽ được công nhận Loại trừ bệnh Phong trong 6 tháng đầu năm 2019.

Nguyễn Phú Hữu - TTYT Tân Châu

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang