Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Thị xã Tân Châu triển khai hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới năm 2020

10:06 15/05/2020

Hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2020 với chủ đề “Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai giống nòi”. Thị xã Tân Châu đã chủ động triển khai đến các Trạm y tế phường, xã để thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), cũng như tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS), là do tan máu di truyền, bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động…

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bộ Y tế. Mỗi năm, nước ta có khoảng 1,4 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó khoảng 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, trong đó khoảng 2.000 trẻ em bị bệnh nặng. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác, do đó việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh là điều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy: Tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh tại Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gene, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước…); mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai (giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục)… Đặc biệt là ở các đồng bào dân tộc thiểu số cao, một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết.

Hiện nay số lượng bệnh nhân TMBS đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Do đó việc phát hiện sớm và phòng bệnh TMBS được xem là biện pháp hữu hiệu và căn cơ. Theo kinh nghiệm của thế giới, có thể phòng bệnh hiệu quả 90 – 95% bằng các biện pháp như khám sức khoẻ trước hôn nhân để xác định xem cá nhân có mang gene bệnh hay không, từ đó giúp cho mọi người có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh TMBS.

Việc thực hiện tư vấn và tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm thường quy cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và trong vòng 1 tháng đầu sau sinh để phát hiện sớm các thai kỳ và trẻ sơ sinh có nguy cơ về bệnh lý di truyền như thiếu men G6PD, bệnh lý nội tiết như suy giáp bẩm sinh, dị tật ống thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống), bệnh về nhiễm sắc thể như hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển thể chất tâm thần của trẻ.

Năm 2020, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Bộ Y tế chọn khẩu hiệu tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2020 gồm:

- Chung tay hành động vì bệnh tan máu bẩm sinh.

- Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe dòng máu Việt.

- Hãy thực hiện tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

- Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai giống nòi.

- Tầm soát trước sinh và sơ sinh vì những đứa con khỏe mạnh.

- Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi.

Thị xã Tân Châu thực hiện hoạt động treo băng rôn, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh toàn thị xã, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, tạo sự quan tâm nhất là đối với nhóm vị thành niên/thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cùng chung tay hành động, đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe dòng máu Việt.

Nguyễn Phú Hữu

TTYT thị xã Tân Châu

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang