Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Loãng xương

04:35 15/07/2019

1.Đại cương

Bệnh loãng xương và biến chứng thường gặp của bệnh như xẹp đốt sống, gù cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy xương chi trên, nặng nhất có thể gây tử vong, đang được coi là một dịch bệnh âm thầm lan rộng khắp thế giới, có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng. Châu Á hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo là tâm điểm của loãng xương trong thế kỷ XXI. Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Hội Thấp khớp học trên một số tỉnh miền Bắc, ước tính khoảng 36,5% phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh bị loãng xương. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20% số người trên 60 tuổi bị loãng xương, trong đó đã có nhiều biến chứng.

Loãng xương là tình trạng giảm khối xương và cấu trúc vi thể của tổ chức xương, làm tăng tính dễ vỡ, và cuối cùng là làm tăng nguy cơ gãy xương tự phát. Đó là một vấn đề sức khoẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên Thế giới, không những ở các nước phát triển mà ở cả những nước đang phát triển. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, nhưng phụ nữ có nguy cơ bị mắc nhiều hơn . Bệnh lý này thường diễn biến âm thầm, triệu chứng nghèo nàn nhưng hậu quả rất nặng nề. Hậu quả nghiêm trọng nhất là gãy xương do loãng xương có thể gây tàn tật và tử vong. Tỷ lệ loãng xương tăng cùng với những hậu quả nặng nề sẽ làm tăng gánh nặng cho ngành y tế và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội . Vì vậy, tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học bệnh loãng xương và các yếu tố nguy cơ là rất cần thiết để đưa ra những giải pháp dự phòng sớm. Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó yếu tố dinh dưỡng ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong dự phòng bệnh lý này.

Ở Việt nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tuổi thọ của con người cũng tăng lên, dự báo một sự gia tăng tỷ lệ loãng xương vì tuổi càng cao thì nguy cơ loãng xương càng nhiều.

2. Dấu hiệu

Tình trạng mất xương (hay còn gọi là giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Mọi người có thể không biết họ mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã.

Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng

3.Các yếu tố nguy cơ

Phụ nữ, nói chung, có nhiều khả năng bị loãng xương nhiều hơn nam giới do tổng khối lượng xương thấp hơn do với nam giới. Khi bạn mắc một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ sau đây, nguy cơ bị mắc bệnh loãng xương càng cao:

+Mãn kinh trước tuổi 45

+Gia đình có phụ nữ lớn tuổi bị gãy xương.

+Đã từng bị gãy xương

+Có các bệnh đi kèm như: Bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận hoặc hội chứng Cushing

+Đã trải qua quá trình điều trị ung thư

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

+Có rối loạn ăn uống: đã hoặc đang mắc chứng biếng ăn

+Chế độ ăn ít canxi hoặc bị thiếu vitamin D

+Nhẹ cân hoặc cấu trúc xương nhỏ

+Chủng người da trắng hoặc người Á châu

+Lớn tuổi

+Lối sống không lành mạnh: hút thuốc, uống nhiều rượu bia hoặc thức uống có nhiều caffeine, và không tập thể dục đầy đủ.

+Dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài

4.Cận lâm sàng:

Nghiệm pháp đánh giá mật độ xương - Chụp X quang để đo mật độ xương ở phần cột sống thắt lưng, vùng cổ xương đùi hoặc cổ tay. Phương pháp chụp X quang hấp thụ năng lượng kép (DXA) là phương pháp phổ biến nhất. Nghiệm pháp này không gây đau đớn và chỉ mất vài phút. Các kết quả của nó cho biết lượng xương bị mất.

5.Phòng bệnh lý bệnh nhân loãng xương

Việc phòng bệnh phải được thực hiện ngay từ khi còn là bào thai, mẹ ăn chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D. Khám sức khỏe định kỳ từ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện bệnh còi xương. Tất cả mọi người thực hiện chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, tránh dùng những thuốc kéo dài tăng nguy cơ loãng xương, mang dụng cụ bảo vệ chậu hông khi đi lại nếu có nguy cơ ngã.

Các bệnh nhân loãng xương phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát, ít nhất là 3-5 năm liên tục. Đo mật độ xương 6 tháng đến 1 năm 1 lần để theo dõi kết quả điều trị.

Bệnh loãng xương hoàn toàn có thể phòng và tránh được nếu như chúng ta có những hiểu biết về bệnh, thực hiện chế độ phòng và điều trị một cách tích cực nhất.

BS.CKII.Trương Văn Lâm

Trưởng khoa Nội tổng hợp - BVĐKTTAG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang