Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng bệnh cúm mùa đông xuân ở người cao tuổi

02:01 13/12/2019

Mùa đông – xuân nhiệt độ môi trường thay đổi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, nhất là người cao tuổi không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh đường hô hấp như: cúm, viêm phế quản, viêm phổi… Với những người mắc bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn.

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus gây ra. Đa số trường hợp diễn biến lành tính. Bệnh có thể diễn biến nặng hơn và gây tử vong ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây giám tiếp qua các vật dụng, đồ dùng tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng chứa virus của người bệnh. Bệnh cúm còn nguy hiểm do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Người bệnh có thể lây cho người khác từ 6 ngày trước khi có triệu chứng 1-2 tuần sau khởi bệnh.

Các dấu hiệu của bệnh cúm là:

Sốt cao đột ngột;

Mệt mỏi toàn thân, chán ăn;

Môi khô, lưỡi dơ.

Nhức đầu;

Đau cơ khớp toàn thân;

Sổ mũi;

Ho khan, đôi khi có đàm;

Đau họng.

Phòng bệnh cúm bằng cách:

Ở người già, vaccin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.

Những người nên tiêm vaccin cúm hàng năm là những người có nguy cơ biến chứng cao: trên 65 tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người tiếp xúc mật thiết với người bệnh.

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh: ủ ấm khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặt đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được khuyến khích duy trì chế độ tập luyện như: đi bộ, xe đạp, bóng bàn, dưỡng sinh... Trước khi tập nên khởi động làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp. Kiểm tra phòng ngủ giường ngủ không có khói thuốc lá hoặc các loại khí gây độc hại, giường ngủ sạch sẽ, chắc chắn, có nệm đảm bảo độ ấm, êm không gây khó chịu.

Một điều cần lưu ý với gia đình có người già là trong phòng của người cao tuổi phải có điện thoại hoặc chuông báo để khi cần thiết thông báo cho người nhà hoặc số điện thoại cấp cứu. Đây là thiết bị truyền thông vô cùng cần thiết và quan trọng cho tất cả mọi người để khi cần có thể thông tin khẩn cấp.

Khi có các dấu nghi bị bệnh cúm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Ds. Khổng Thị Hồng Duy

Phòng KHNV, TTYT Tp. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang