Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng (01-02/12/2020)

03:18 24/12/2020

Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. Trong đó Vitamin A là một Vitamin tăng trưởng, cần thiết cho sự phát triển thể chất của trẻ, góp phần tăng cường hệ miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, Vitamin A giúp trẻ nhìn tốt và giúp trẻ có thể phân biệt màu sắc. Trẻ thiếu Vitamin A thường chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn. Chính vì vậy, tiếp tục thực hiện công tác phòng chống thiếu Vitamin A là một hoạt động thiết thực nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ cho con em chúng ta.

1. Vai trò của Vitamin A đối với cơ thể

Vitamin A là một vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, gồm 4 vai trò chính như sau:

- Tăng trưởng: Giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường. Thiếu Vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc.

- Thị giác: tạo sắc tố võng mạc cần cho hoạt động của thị giác, biểu hiện sớm của thiếu Vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu.

- Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt,... Khi thiếu Vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương. Tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù loà.

- Miễn dịch: Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu Vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là Sởi, Tiêu chảy và viêm đường Hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

2. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu Vitammin A:

- Khẩu phần ăn thiếu hụt Vitamin A, thường xảy ra trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung. Ở nước ta, theo điều tra cho thấy trong khẩu phần ăn của trẻ dưới 5 tuổi chỉ đạt 30 – 50% theo nhu cầu đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

- Chế độ ăn thiếu dầu mỡ làm giảm hấp thu Vitamin A

- Trẻ mắc sởi, bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, …

- Đặc biệt, trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vì trong sữa mẹ có rất nhiều Vitamin A.

3. Những ai dễ bị thiếu Vitamin A?

- Trẻ em dưới 3 tuổi

- Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ thiếu Vitamin A.

- Bà mẹ đang cho con bú, nhất là trong năm đầu sau khi sinh.

4. Phòng chống thiếu Vitamin A như thế nào?

- Giáo dục về dinh dưỡng:

+ Nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn của trẻ cần có đủ chất béo để hỗ trợ hấp thu Vitamin A, thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu Vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ.

+ Bảo đảm nuôi dưỡng trẻ từ khi ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và Vitamin A. Chú ý các loại thực phẩm giàu Vitamin A và caroten như: Gan, trứng, sữa, cá, rau lá xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, màu đỏ, …

- Phòng các bệnh nhiễm trùng bằng cách đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch.

- Bổ sung Vitamin A theo chương trình hàng năm.

- Hướng dẫn bà mẹ cách phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh do thiếu Vitamin A./.

Hãy đưa trẻ trong độ tuổi (6-36 tháng tuổi) đi uống Vitamin A

tại các điểm uống ở Trạm y tế xã vào các ngày 1-2 tháng 12

CN. Phạm Trầm An Khương - Phó Khoa Dinh dưỡng, TT KSBTAG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang