Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Hãy bảo vệ nước sạch và vệ sinh sinh môi trường

08:12 11/05/2021

Khi cuộc sống phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được cải thiện; thì đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) lại có những diễn biến phức tạp. ÔNMT đang là vấn đề nóng diễn ra từ nông thôn, thành thị đến miền núi, miền biển; nó để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và hệ sinh thái thiên nhiên. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta có 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gien động thực vật đang có chiều hướng gia tăng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. ÔNMT do rất nhiều tác động, nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng, lòng sông, mương máng một cách bừa bãi. Bên cạnh đó quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Các nước thải công nghiệp; chất thải  của ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi, nguồn nước do khai thác khoáng sản chưa được xử lý triệt để xả thẳng ra môi trường. Trong khi đó, việc đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu phát triển.

Bên cạnh việc tác động của biến đổi khí hậu như nắng nóng kéo dài làm gia tăng lượng bốc, thoát hơi nước từ bề mặt, gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất; lượng mưa gần đây đang có sự thay đổi đáng kể so với trước; hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp; thì tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững. Sự khai thác làm suy giảm nước ngầm dưới đất quá mức gây sụt lún đất. Trong khi đó, hầu hết các con sông lớn của Việt Nam bắt nguồn từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, điển hình như các đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mê Kông. Hiện nay diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông. Điều đó ít nhiều gây giảm lưu lượng nước ở các dòng sông.

Bảo vệ nguồn nước là để khả năng một cộng đồng dân cư có thể được tiếp cận đủ lượng nước ứng với chất lượng có thể chấp nhận được để bảo đảm duy trì sinh kế, sức khỏe, hoạt động sản xuất; qua đó được bảo vệ trước dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước và bảo tồn hệ sinh thái trong môi trường ổn định và bền vững. An ninh nguồn nước là năng lực thích ứng để bảo vệ khả năng được tiếp cận đủ về số lượng nước, chất lượng nước bảo đảm cho sức khỏe, môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất kinh tế.

 Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2021 có chủ đề “Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng” nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của cá nhân và cộng đồng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và môi trường ở nước ta tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn được, nếu mỗi người dân chúng ta biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp; hãy bảo vệ nguồn nước và môi trường vì cuộc sống của chúng ta và cả thế hệ mai sau./.

                                                                                KS. Châu Nguyễn Tuấn Anh

                                                                               Khoa YTCC& DD- TTYT TB

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang