Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bên cạnh việc chủ động phòng, chống các dịch bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mưa, bão và lũ về

10:03 05/03/2020

Thời tiết hiện tại ở An giang và thành phố Long Xuyên là mùa nắng, chưa có mưa nhiều, khả năng mưa về muộn và khi đến mùa mưa bão đến bà con và cộng đồng chúng ta cũng phải luôn cảnh giác với các dịch bệnh trong mùa mưa, bão sắp đến, gồm có các bệnh truyền nhiễm ở người thường gặp như:

     1. Bệnh Sốt xuất huyết (SXH):

(Ảnh. Hồng Thanh)

     Sau mưa, bão và mùa lũ về các bệnh phát sinh do các véc tơ truyền bệnh phát sinh mạnh. SXH là một dịch bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng ở cộng đồng, nguyên nhân là do các vật dụng có khả năng chứa nước trong ở trong và đặc biệt là các vật dụng ở xung quanh nhà như: vỏ xe, lon, gáo dừa, hộp nhựa,… bắt đầu tích trữ nước mưa, tạo điều kiện cho muỗi vằn có nhiều nơi chứa nước trong để sinh sản, bên cạnh thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi vằn và vi rút Dengue sinh sôi nảy nở ở những dụng cụ chứa nước nước trong ở trong và xung quanh nhà, nguy cơ gây ra bệnh cho con người. Vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi vằn bằng vợt điện, nhang xua muỗi, .. , phòng chống muỗi vằn đốt và diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng các biện pháp như: hàng tuần, ít nhất từ 01-02 lần, mỗi hộ gia đình hãy tự kiểm tra kỹ các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà mình, khi phát hiện có lăng quăng nên cọ rửa bằng bàn chải trước khi đổ đi và lật úp tất cả những dụng cụ xung quanh nhà có khả năng tích trữ nước, để diệt mầm bệnh triệt để.

     2. Bệnh đường tiêu hóa (do ăn, uống):

     Mưa, bão kéo dài, các bệnh đường tiêu hóa thường gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc Lỵ amíp,…., nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như: đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

     3. Bệnh đau mắt đỏ:

     Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Thời tiết ẩm sau mưa lũ tạo điều kiện cho virus phát triển; thói quen sử dụng nước giếng bị nhiễm bẩn tại một số hộ dân là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong mùa mưa lũ.

     Để chủ động phòng bệnh, bà con ta nên thường xuyên thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, cần chú ý rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

     4. Bệnh cảm cúm và hô hấp:

     Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là bệnh cúm, cảm lạnh. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.

     Để bảo vệ cho mỗi cá nhân và gia đình, mỗi người dân cần: vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, rửa tay sạch thường xuyên và vệ sinh môi trường sinh sống, nơi làm việc. Khi có dấu hiệu bị cúm phải đi khám kịp thời và cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

     5. Bệnh về da:

      Bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng mưa, bão và lũ về. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như: nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”), mẩn ngứa, viêm da.

     6. Các bệnh về xương khớp:

     Thời tiết thất thường, mưa nắng bất chợt, không khí lạnh, ẩm ướt đột ngột khiến nhiều người bị đau xương khớp, co cứng cơ. Đặc biệt là khớp hông, đầu gối, vai, tay, thắt lưng. Các khớp còn có thể bị sưng, gây khó khăn khi vận động./.

     7. Bệnh sốt vàng da (ít gặp):

     Đây là loại bệnh do vi khuẩn Leptospira gây ra: Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước.

     Trong và sau mưa, lũ, lụt, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.

     → Để không mắc phải những căn bệnh trong mùa mưa, bảo và lũ, mỗi gia đình cần chủ động thực hiện những việc làm sau:

     1. Cố gắng quản lý tốt chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện, tránh không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Phát động mọi người dân tự giác vệ sinh trong mỗi gia đình, từng cụm dân cư, tạo môi trường sống thông thoáng và sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa các mầm bệnh phát triển.

     2. Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để tránh lây bệnh gây ra do vi khuẩn, chúng ta cần thực hiện đun chín kỹ thức ăn, không ăn sống, ăn tái các thực phẩm, đặc biệt là gỏi và tiết canh. Ngoài ra, không ăn thực phẩm chế biến từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

     3. Thực hiện tách riêng biệt thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác trong chế biến và bảo quản, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền như: hoa quả, bún, nộm, giò chả,.. Sử dụng dao, thớt riêng cho thực phẩm sống và chín.

     4. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi đụng vào. Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn.

     5. Khẩn trương dọn vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, lau rửa sạch sàn nhà, thau rửa bể nước, lu, hũ và kiệu,… đựng nước, rửa sạch các dụng cụ chế biến thức ăn. Khơi thông cống rãnh, không để nước tù đọng. Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và chỉ phun thuốc phòng, chống dịch bệnh khi có ổ dịch xảy ra, do ngành y tế thực hiện.

     6. Cảnh giác với dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh hơn sau mưa./.

BSCKI. PHẠM HỒNG THANH,  ĐT: 0918 144 259

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KẾ HOẠCH NGHIỆP VỤ TTYT TPLX

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang