Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Báo động về vấn nạn tự tử

03:35 06/09/2019

Xét về khía cạnh nào đó, mỗi người trong chúng ta có ngưỡng cảm xúc cũng như sức chịu đựng trước những biến cố khác nhau. Tùy vào mức độ mà mỗi người có phản ứng về nó qua hành vi của mình. Và khi không thể chịu đựng được trước những áp lực tâm lý, nhiều người thường tìm đến con đường chết thông qua việc tự tử. Qua nghiên cứu, người ta cho rằng có các yếu tố sau đây là cho con người chán nản với cuộc sống: Rơi vào tuyệt vọng, tự trách bản thân, tự ý thức cao về bản thân, ảnh hưởng tiêu cực, suy giảm nhận thức và mất phản xạ có điều kiện.

Theo thống kê năm 2018, số người tự tử chiếm  33,7%, xếp thứ 2 sau tai nạn giao thông. Sự gia tăng hiện tượng này, ngày nay có thể lý giải qua một số lý do sau: Đối với người lớn,  áp lực của cuộc sống, công việc quá lớn khiến tinh thần quá căng thẳng, thần kinh không minh mẫn hoặc đôi khi là bế tắc; công việc không suôn sẻ, phá sản. Còn  thanh niên có thể do thất tình, bị áp lực học hành, tình cảm quá lớn cũng như ức chế do bị người khác bạo hành; bao gồm cả bạo hành về thể xác lẫn tinh thần. Ở lứa tuổi nhỏ hơn, yếu tố gia đình có thể xem là quan trọng nhất. Những căng thẳng trong gia đình, như: bất hòa giữa cha - mẹ, cha mẹ ly hôn, sự thiếu quan tâm của cha mẹ về tâm lý, sự độc tài, sự áp đặt, sự buông lỏng, thờ ơ của cha mẹ, kinh tế gia đình khó khăn, tình trạng trầm cảm - lo âu của cha mẹ gây ảnh hưởng đến tâm- sinh lý của trẻ. Bên cạnh gia đình,  mối quan hệ với trường học và bạn bè là mối quan hệ cụng có tính giúp đỡ và xây dựng nhân cách của trẻ. Khi có những khó khăn trong mối quan hệ này, cộng với những khó khăn xuất phát từ gia đình, trẻ sẽ mất nguồn lực, mất đi sự động viên và giúp đỡ trong khi tình trạng căng thẳng nội tại cũng vừa xuất hiện và mạnh mẽ dần. Chính vì vậy, việc trẻ thu mình, tự kỷ, trầm cảm; thế là tự tử có thể xẩy ra.  Như vậy ý muốn tự sát không chỉ là động lực mang tính nhất thời. Tổn thương tâm lý thường không đến từ một chuyện, một sự kiện, hay một vấn đề mà là sự tích tụ của nhiều tổn thương  theo thời gian chồng lên nhau. Đến lúc không đè nén đước nữa con người sẽ rơi vào tuyệt vọng.

Có một số dấu hiệu mà những người có nguy cơ tự tử có thể làm như: nói hoặc viết về cái chết hoặc thể hiện nguyện vọng muốn chết, tìm kiếm các cách để có thể chết, đe dọa làm đau bản thân, lo lắng hoặc nổi giận, cho đi các đồ vật, tài sản của mình; nói tạm biệt, thể hiện cuộc sống đang không có mục đích, cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập, nói về việc cảm thấy mình là gánh nặng hoặc là nỗi xấu hổ của người khác, thể hiện sự tuyệt vọng....Với gia đình, bạn bè thì việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về tự tử có thể giúp họ nhanh chóng cứu được mạng sống một người. Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng, trong nhiều trường hợp, những người có ý định tự tử sẽ không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào; ngay cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất cũng có thể bỏ qua các dấu hiệu này.

Con người ta được sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc. Sự sống luôn là vốn quý mà con người luôn tìm mọi cách níu giữ. Trên thế giới này có biết bao nhiêu con người bất hạnh muốn được sống dù họ phải trải qua chiến tranh, đói nghèo, dịch bệnh… Vậy mà con người đó vẫn hàng ngày cố gắng vươn lên để được sinh tồn. Vậy,  hãy luôn nghĩ đến cha mẹ hoặc vợ chồng, con cái của mình. Đừng buông xuôi tất cả, hãy cố nhớ tới một ai đó mà ta có tâm niệm  sẵn sàng dành cho họ tất cả. Tại sao ta ra đi, trong khi họ thực sự rất cần ta. Tự tử không đơn giản là bản thân chấm dứt cuộc sống ngay lập tức, mà còn là hệ lụy dai dẳng cho những người còn sống.  Chưa kể, việc tự tử không thành còn biến những thanh niên sung sức thành tàn phế suốt đời. Hãy quên chuyện đó đi, hãy biết trân trọng sinh mạng của chính mình. Phải biết rằng còn có gia đình, có những người thân xung quanh và xã hội luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho ta vượt qua được khủng hoảng của đời thường./.

                                                                                                     Nguyễn Minh Thời

                                                                                                       TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang