Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Ý nghĩa nhân văn của ngày gia đình Việt Nam

02:11 21/06/2021

Người ta nói rằng: “Có một nơi để về, đó là nhà; có những người để yêu thương, đó là gia đình; có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Như vậy, đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Gia đình cũng là chốn nương náu cuối cùng cuộc đời của mỗi con người. Khi đạt được thắng lợi hay thành công, sau chúng ta là gia đình. Trong cuộc sống của mổi cá nhân không thể tách rời với gia đình yên ấm, hạnh phúc.

Trong trái tim của mỗi người chúng ta, gia đình luôn là nơi ấm áp, tràn ngập yêu thương và thiêng liêng nhất. Gia đình không chỉ là nơi gắn kết mọi người với nhau mà còn là cái nôi và là nền tảng cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Sự giáo dục, chăm sóc, thương yêu của gia đình; sự vun đắp, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ sau đã, đang và sẽ vẫn là nguồn lực to lớn cho sự trưởng thành và là niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân. Mà hạnh phúc chính là trải nghiệm trên hành trình chúng ta đang đi. Hạnh phúc thật sự và lâu bền nhất chính là sự góp nhặt những yêu thương bình dị trong cuộc đời và luôn có một điểm tựa để trở về; đó là gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Hiện nay, nền tảng gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện và phát huy. Vì thế, giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Chính vì vậy, gia đình vẫn là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gia đình còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; mối liên kết giữa các quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng.

Với chủ đề: "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình năm 2021", ngày gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập./.

                                                                                                 Nguyễn Minh Thời

                                                                                                   TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang