Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bệnh Dại và một số biện pháp phòng bệnh

10:08 04/05/2020

Vào những mùa nắng nóng dễ làm một bệnh dịch phát sinh; trong đó có bệnh dại. Dại là bệnh nhiễm virus cấp tính bởi virus dại gây ra. Đây là bệnh, lây truyền bởi chất tiết, thông thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại. Nước dãi của động vật bị dại cũng có thể truyền bệnh dại với người nếu tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi. Chó là động vật bị dại phổ biến nhất. Hơn 99% các trường hợp mắc bệnh dại thường là do chó cắn.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại khi bộc phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:

Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng

Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi bị chó dại cắn cần thực hiện các bước sau

1.Vệ sinh vết thương: Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

2. Băng bó vết thương: Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

3.Tiêm phòng: Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được cán bộ Y tế tư vấn phù hợp.Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất.

Để chủ động phòng chống bệnh dại cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo ngành thú y;

-Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm;

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn vào mắt chó;

- Nếu bị chó tấn công hãy giả vờ ngồi im, cuộn tròn người che mặt lại. Khi một con chó gầm gừ đến sát thì không được chạy, hãy đứng yên tại chỗ. Chó ngửi rồi sẽ bỏ đi;

- Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại;

- Không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch;

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại.

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang