Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống dịch COVID-19 xấu nhất trong mùa Đông Xuân

09:57 16/10/2020

Trong giai đoạn hiện nay, cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa Đông Xuân năm nay nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, “cuống” trong phòng chống dịch COVID-19 

Sáng ngày 13/10/2020, Bộ Y tế đã tổ chức giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước. GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi giao ban.

Cùng dự giao ban có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên; lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về phía Bộ Khoa học công nghệ có Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng tham dự giao ban.

Phát biểu mở đầu buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ “Chúng tôi đánh giá cao, biểu dương nhiều y bác sĩ thầy thuốc nhiệt tình đi vào vùng tâm dịch, trực tiếp làm công tác phòng chống dịch COIVD-19. Tới đây, tại hội nghị tổng kết công tác thi đua của ngành y tế giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế sẽ tôn vinh các tấm gương điển hình, đặc biệt là thầy thuốc trực tiếp vào điểm nóng chống dịch”.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi giao ban

Nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực

Về công tác phòng chống dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Cho đến nay chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của các nước trên thế giới về dịch COVID-19, tuy nhiên nhìn chung đến nay có thể thấy ta rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch, nhiều dự báo có thể cuối năm 2021 mới hết, điều này có nghĩa là chúng ta luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng đương đầu chiến đấu với dịch. “Dịch bệnh không ngủ quên trong mùa hè và sẽ tiếp tục tấn công chúng ta”- Quyền Bộ trưởng nói

Hiện chưa có vắc xin nào được đăng ký chính thức lưu hành trên thế giới, nên việc tiếp cận vắc xin phòng chống dịch của các nước là thách thức rất lớn dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để tiếp cận với vắc xin  nhưng nhìn chung là khó khăn.

“Chúng ta nhận định được tình hình dịch như vậy, đánh giá được những nguy cơ như vậy để có những chủ động trong phòng chống dịch. Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì nguy cơ xâm nhập dịch vào Việt Nam rất cao”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, hiện trong cộng đồng đã 41 ngày không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới, nhưng nguy cơ xâm nhập luôn thường trực và là yếu tố để có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Chúng ta phải luôn sẵn sàng tâm thế chuẩn bị chống dịch

“Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta chuẩn bị và triển khai tất cả các biện pháp quan trọng cần thiết để chống dịch, bởi mùa đông năm nay dự báo là rất khốc liệt trong chống dịch. Nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, các địa phương phải rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch

Các địa phương phải rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch

Về nguyên tắc phòng chống dịch, Việt Nam vẫn giữ 5 nguyên tắc là ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả nhưng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong giai đoạn hiện nay có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; vấn đề tiếp theo là giám sát phát hiện các ca bệnh.

“Nếu phát triển càng sớm thì chúng ta càng triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả. Nguyên tắc là khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói

Trong giai đoạn hiện nay, cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa Đông Xuân năm nay nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, “cuống” trong chống dịch.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch. Kịch bản phải đề cập đến tình huống dịch nếu xảy ra tại bệnh viện thì sẽ có phương án xử lý như thế nào? Đà Nẵng là ví dụ sinh động và điển hình cho vấn đề phòng chống dịch. Đà Nẵng là địa phương có nhiều cơ sở khám chữa bệnh, có điều kiện để thành lập bệnh viện dã chiến rất nhanh, tuy nhiên nếu dịch xảy ra ở một địa phương của miền núi thì sẽ thế nào?

“Khi dịch xảy ra ở bệnh viện- có thể là bệnh viện đa khoa tỉnh thì chúng ta phải làm thế nào để có thể vẫn đảm bảo điều trị bệnh nhân? Chuẩn bị cơ sở hồi sức, cấp cứu khác, cơ sở điều trị thận nhân tạo khác như thế nào? Điều này có nghĩa là chúng ta phải làm sạch bệnh viện càng sớm càng tốt và giảm mật độ lây nhiễm càng sớm càng tốt.”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Điểm cầu Hải Dương, Cao Bằng, Thái Bình, Tây Ninh, Hồ Chí Minh kết nối cùng điểm cầu Bộ Y tế

Quyền Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đưa ra phương án ứng phó với các tình huống như dịch xảy ra tại một nhà máy với mấy chục nghìn công nhân, tại cộng đồng dân cư thì như thế nào? Phương án ứng phó phải bao gồm các biện pháp khoanh vùng ngay, truy vết lập tức, cách ly nhanh chóng triệt để...

“Bộ Y tế sẽ lo máy thở, nhưng Bộ Y tế không thể lo từng cán bộ sử dụng máy thở cho địa phương, do đó các địa phương phải tổ chức tập huấn chuyên môn ngay về sử dụng máy thở cho cán bộ. Các địa phương cũng phải chuẩn bị ngay cơ sở điều trị”- Quyền Bộ trưởng yêu cầu

Phải giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long vào thời điểm này, việc ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào rất quan trọng mà đối tượng đặc biệt quan trọng là các chuyên gia, những người hồi hương, những người nhập cảnh.

“Vừa rồi chúng tôi thấy có địa phương triển khai tốt, tuy nhiên có địa phương còn lơ là, buông lỏng và không kiểm soát tốt người nhập cảnh, nhất là những trường hợp cách ly tại cơ sở lưu trú. Công tác cách ly đã được hướng dẫn cụ thể tuy nhiên vẫn có những địa phương không thực hiện đúng hướng dẫn này. Chỉ cần một trường hợp nhiễm bệnh thì lây lan sẽ  gia tăng theo cấp số nhân trong cộng đồng”- Quyền Bộ trưởng thẳng thắn nói.

Do đó Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nào cách ly tại cơ sở tập trung, người nào cách ly tại cơ sở lưu trú. Chúng ta phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly

Hình ảnh kết nối từ Bộ Y tế đến các điểm cầu địa phương

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực xét nghiệm. Đồng thời yêu cầu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm các đối tượng nguy cơ để tránh bỏ lọt, nếu cơ sở nào không có đủ năng lực xét nghiệm thì lấy mẫu, gửi nơi đủ điều kiện thực hiện. "Nếu không xét nghiệm làm sao phát hiện ca bệnh?”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề

Trong công tác chống dịch, Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương về công tác truy vết, kiên quyết cách ly tập trung bắt buộc tất cả các trường hợp F1 và là yếu tố “sống còn” trong chống dịch. Việc truy vết, cách ly càng nhanh càng tốt, sớm chừng nào hay chừng đó. Bên cạnh đó các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào công đồng, tập huấn để chuẩn bị sẵn lực lượng khi dịch xảy ra thì ngay lập tức huy động các tổ này để phát huy vai trò chống dịch.

“Các địa phương đừng nghĩ rằng dịch đang ở đâu xa mà phải xác định là dịch sẽ xảy ra ngay trên địa bàn để chủ động các phương án chống dịch. Khi dịch xảy ra trên địa bàn, gánh nặng lúc đó sẽ đặt trên vai các đồng chí giám đốc Sở Y tế các địa phương”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Các địa phương cũng cần cập nhật thông tin về cơ sở cách ly, chỉ những cơ sở lưu trú nào được cập nhật trên hệ thống mới được sử dụng cách ly, trừ những trường hợp khác thì phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo. Cán bộ y tế phải cập nhật kết quả xét nghiệm của người cách ly trên tờ khai y tế điện tử.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phải tiến hành đấu thầu mua sắm ngay trang thiết bị, vật tư chống dịch để không bị động khi dịch xảy ra trên địa bàn. Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong vấn đề này.

Các điểm cầu giao ban trực tuyến              

Cũng tại hội nghị giao ban, các điểm cầu đã được nghe các chuyên gia trình bày các báo cáo về kinh nghiệm và điều kiện cần lưu ý trong phòng chống dịch COVID-19 tại thực địa; báo cáo tình hình dịch và quy trình kiểm soát người nhập cảnh; cập nhật các ứng dụng điện tử trong phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, qua kiểm tra vẫn còn một số bệnh viện không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch theo tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế các địa phương để quán triệt và yêu cầu các bệnh viện đảm bảo áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn./.

 

moh.gov.vn