Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang quá trình thực hiện “Bệnh viện 3 không”

02:22 15/03/2021

Trên tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và thực hiện theo Kế hoạch và lộ trình của Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế, tầm nhìn đến năm 2030. Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang thực hiện triển khai quyết liệt về chuyển đổi số trong y tế phù hợp với các tiêu chí đánh giá về ứng dụng CNTT trong bệnh viện nhằm thực hiện chuyển đổi số ngành y tế An Giang theo đúng kế hoạch và lộ trình của Bộ Y tế đề ra, với mục tiêu “3 Không”:

1. Không dùng hồ sơ bệnh án giấy;

2. Không phải chờ đợi khi đăng ký khám bệnh;

3. Không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí.

Mục tiêu hướng đến của bệnh viện khi thực hiện chuyển đổi số:

- Cải cách thủ tục hành chánh, giảm thời gian chờ đối người dân trong khám, và điều trị;

- Tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng hoạt động công tác chuyên môn hàng ngày;

- Đảm bảo việc ghi chép, in ấn HSBA được thực hiện hoàn chỉnh, nhanh chóng, sạch sẽ, đầy đủ theo đúng quy định Bộ Y tế;

- Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh với mục tiêu chính xác và tiện lợi cho người bệnh cả thời gian và tài chính;

- Tạo sự minh bạch hóa thông tin;

- Nhân viên y tế phát huy hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị giúp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện bệnh án điện tử, là bước đệm để triển khai hiệu quả bệnh viện thông minh;

- Tiết kiệm chi phí khi thực hiện thành công chuyển đổi số y tế trong mọi hoạt động bệnh viện, gồm: Chi phí in ấn, kho lưu trữ hồ sơ bệnh án, chi phí in phim trong chẩn đoán hình ảnh,…

Thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số:

1. Được sự quan tâm và ủng hộ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, các cơ quan ban ngành trong thực hiện chuyển đổi số y tế.

2. Ban Giám đốc bệnh viện quan tâm, chỉ đạo liên tục và quyết tâm thực hiện;

3. Lãnh đạo các Khoa - Phòng hưởng ứng và chỉ đạo nhân viên thực hiện theo lộ trình;

4. Đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin có kiến thức sâu và tương tác tốt với nhân viên y tế;

5. Tham quan, học hỏi các mô hình bệnh án điện tử từ các vùng miền, tham gia hầu hết các hội thảo phát triển y tế thông minh;

Yếu tố tiên quyết để triển khai thành công chuyển đổi số:

- Ban Giám đốc bệnh viện đồng tình ủng hộ và tâm huyết triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình vận hành và phát triển công nghệ thông tin tại bệnh viện.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng theo từng giai đoạn phát triển công nghệ thông tin trong bệnh viện, bám sát theo các yêu cầu của Thông tư 46/2018/TT-BYT và Thông tư 54/2017/TT-BYT. Xác định được các tiêu chí cần ưu tiên, trọng tâm, định hướng đúng theo từng giai đoạn phát triển công nghệ thông tin.

- Có bộ phận cán bộ làm lĩnh vực công nghệ thông tin đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, luôn hỗ trợ, bám sát và theo dõi người dùng để lấy yêu cầu trong suốt quá trình triển khai. Thực hiện phương châm lấy “người dùng” làm gốc để làm nền tảng phát triển hệ thống mở.

- Đầu tư phần cứng, hạ tầng công nghệ thông tin song song với phát triển các phân hệ của phần mềm. Hệ thống thường xuyên, nâng cấp, chỉnh sửa theo nhu cầu thực tế nhằm tối ưu hóa quy trình của người dùng khi vận hành hệ thống.

Khó khăn khi thực hiện chuyển đối số:

­Vấn đề liên quan đến chi phí:

- Hạ tầng công nghệ thông tin: Thời gian đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, bao gồm chi phí thiết lập, chi phí bổ sung phần cứng và chi phí bảo trì…

- Hợp tác với các đối tác triển khai: Phương thức chi trả chi phí cho nhà cung cấp phần mềm Quản lý tổng thể bệnh viện (HIS); Chi phí triển khai PACS-RIS; Chi phí hợp tác với đơn vị thứ 3 trong triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…

­Vấn đề liên quan đến con người:

- Thiếu người dùng có kỹ năng sử dụng hệ thống và khai thác các tính năng của phần mềm để đưa ra các yêu cầu đáp ứng chuyên môn.

- Thói quen của người dân (đa số là lao động phổ thông, trẻ em, người cao tuổi…) chưa tiếp cận nhiều đến công nghệ thông tin. Do đó, khi bệnh viện triển khai hình thức đăng ký khám bệnh trực tuyến, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt gặp rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn và thuyết phục người dân tiếp cận hiệu quả các tiện ích.

- Trên thực tế, khi một chức năng Chuyển đổi số ra đời phải thực hiện trình tự theo 3 bước: Số hóa (Digitization): Ứng dụng số hóa (Digitalization); Chuyển đổi số (Digital transformation). Do đó, hệ thống phải liên tục cập nhật, nâng cấp để phù hợp với môi trường thực tế nên mất rất nhiều thời gian so với dự kiến kế hoạch đã đề ra, phải hướng dẫn, tập huấn và thay đổi thói quen của người dùng (nhân viên y tế), để họ từng bước tiếp cận các tính năng mới.

Giải pháp và kinh nghiệm tháo gỡ các khó khăn:

1. Vấn đề liên quan đến chi phí: Xác định đầu tư cho CNTT là đầu tư cho tương lai, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, hỗ trợ tối đa cho cho việc quản trị bệnh viện.

2. Vấn đề liên quan đến con người:

- Mở các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng máy tính, thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế các tính năng và modul mới.

- Nhân viên phụ trách công nghệ thông tin thường xuyên phối hợp và tương tác với người dùng ở các khoa phòng để lấy yêu cầu nhằm nâng cấp, chỉnh sửa, cập nhật dần hoàn thiện hệ thống. Chọn lọc, sắp xếp và đánh giá thứ tự ưu tiên nhằm xử lý các yêu cầu từ người dùng một cách logic và khoa học.

- Luôn luôn đổi mới và hoàn thiện hệ thống lấy người dùng tại các khoa phòng làm nền tảng để cải tiến và phát triển công nghệ thông tin.

- Nhân viên phụ trách công nghệ thông tin hỗ trợ xuyên suốt 24/24.

Hiệu quả đem lại cho Bệnh viện và người dân sau 3 năm tích cực triển khai “Bệnh viện 3 không”:

Đối với người dân:

- Giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

- Rút ngắn thủ tục hành chánh. (Đăng ký khám bệnh trực tuyến, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…)

- Người bệnh không phải lưu trữ giấy tờ khi đi KCB, không sợ làm mất kết quả xét nghiệm, có thể tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình.

- Người bệnh, thân nhân người bệnh có thể xem đầy đủ các thông tin thông qua ứng dụng web, hoặc smartphone (dành cho di động): thông tin hồ sơ bệnh án, kết quả cận lâm sàng, lịch sử khám chữa bệnh ...

- Người dân có thể tương tác với nhân viên y tế trong tư vấn sức khỏe bằng hình thức như: tư vấn trực tuyến qua tổng đài chăm sóc khách hàng v.v..

- Dữ liệu cá nhân được quản lý chặt chẽ và bảo mật – đây là nền tảng để triển khai hồ sơ sức khỏe toàn dân đúng lộ trình đã đề ra của BYT trong thời gian tới

Đối với bệnh viện:

- Tối ưu hóa quy trình làm việc của mọi nhân viên.

- Hồ sơ sau khi kết thúc, được đóng gói lưu trữ vĩnh viễn, chống sao chép chỉnh sửa khi chưa có yêu cầu của cấp trên, thông tin về sức khỏe của người dân được “bảo mật tuyệt đối” theo quy định Luật khám chữa bệnh.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và hỗ trợ cơ quan bảo hiểm giám định bảo hiểm y tế bằng điện tử nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, rõ ràng và minh bạch không cần phải xem thủ công từng hồ sơ bệnh án.

- Việc hoàn thiện hệ thống PACS cũng đồng thời giúp giảm bớt chi phí, công sức và thời gian vận hành trong công việc in và lưu trữ phim, gián tiếp nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng, giảm thời gian chờ đợi kết quả tại các khoa lâm sàng và cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

- Cải tiến chất lượng, cải cách thủ tục hành chánh, tiến đến hài lòng người bệnh thông qua những ứng dụng thực tế bằng công nghệ thông tin được thực hiện trong bệnh viện: Ứng dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh; Kios thông minh giảm thời gian chờ của bệnh nhân, Giao ban điện tử; Lập lịch mổ điện tử; Lập lịch trực 04 cấp điện tử; Đăng ký khám bệnh online; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, và đặc biệt sử dụng chữ ký điện tử, định danh vân tay cho người bệnh và thân nhân người bệnh trong khám điều trị ...

Riêng đối với lãnh đạo bệnh viện có thể:

- Phân tích dữ liệu chuyên môn có chiều sâu.

- Kiểm soát thu/chi tài chính.

- Theo dõi tất cả hoạt động bệnh viện trong và ngoài chuyên môn.

- Chỉ đạo điều phối bộ phận có liên quan thiết lập cảnh báo điều hướng mọi hoạt động của bệnh viện.

- Điều hành hoạt động bệnh viện ngay cả khi đang đi công tác.

* Định hướng phát triển CNTT trong năm 2021 của bệnh viện khu vực tỉnh An Giang

- Tất cả các thông tin dữ liệu khám chữa bệnh đều được lưu trữ trên hệ thống SAN, từng bước hoàn thiện chuyển đổi số y tế theo lộ trình và kế hoạch của Bộ Y tế. Hoàn thiện mục tiêu 3 không: “Không dùng hồ sơ bệnh án giấy trong khám chữa bệnh; Không chờ đợi khi đăng ký khám bệnh và toán viện phí không dùng tiền mặt” tại bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang.

- Tăng cường công tác truyền thông đến người dân thông qua các hình thức: Báo, đài, Fanpage bệnh viện, cổng thông tin điện tử bệnh viện… để người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời hơn phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế để các đơn vị y tế trong toàn tỉnh cùng thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Y tế An Giang theo đúng lộ trình của cấp trên đề ra./.

TS.BS Lữ Văn Trạng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang