Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Khám chữa bệnh

Ứng dụng phương pháp mới trong điều trị u phổi

03:05 15/02/2019

Với phương pháp mới - đốt u phổi bằng vi sóng sẽ tạo thêm cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc u phổi.

Các bác sĩ đang thực hiện đốt u phổi bằng vi sóng. Ảnh: VGP/Lê Hồng

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong tất cả các loại ung thư. Điều trị ung thư phổi thường phải phối hợp rất nhiều phương thức như: Phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích, xạ trị và phải điều trị trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay có thêm phương pháp mới có thể giúp tiêu diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh chóng, trong thời gian rất ngắn, đó là đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính.

Mới đây, BV Phổi Trung ương có tiếp nhận một bệnh nhân nam, 80 tuổi, quê ở Thái Nguyên đã mổ cắt thùy trên phổi trái cách đây 10 năm. Lần này, bệnh nhân xuất hiện khối u đường kính 6cm thùy dưới phổi phải, sinh thiết xuyên thành ngực chẩn đoán ung thư phổi biểu mô tuyến. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng do tuổi cao, tiền sử đã mổ cắt thùy trên phổi trái (đã giảm thể tích phổi) nên bệnh nhân không muốn phẫu thuật.

Chia sẻ với bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức của BV Phổi Trung ương đã được tiến hành cuộc hội chẩn liên khoa để tìm phương pháp điều trị tối ưu khác cho bệnh nhân. Kết quả hội chẩn bệnh nhân có chỉ định đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính. Sau khi được giải thích cặn kẽ về phương pháp mới này, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý bằng cam kết để thực hiện kỹ thuật này.

Vì đây là khối u lớn, tổng đường kính 6cm nên các bác sĩ phải chia thành 2 liệu trình đốt. Liệu trình 1 đốt u trong khoảng 3cm đường kính đầu tiên, công suất 100W và thời gian là 10 phút. Liệu trình 2 được tiến hành khi liệu trình 1 kết thúc, kim được rút ra ngoài 3cm, công suất và thời gian cũng áp dụng như liệu trình 1.

 

Ảnh bệnh viện cung cấp.

Phim X quang ngực chụp lại sau 1 tháng thực hiện kỹ thuật cho kết quả rất khả quan: Một hình hang thành mỏng xuất hiện thay thế vị trí u. Đây thực sự là tin vui cho bệnh nhân ung thư phổi, TS.BS Cung Văn Công, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Phổi Trung ương cho biết.

Theo TS.BS Cung Văn Công, đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính hay còn gọi là kỹ thuật “đốt u bằng vi sóng” là kỹ thuật đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo mới đây nhất, năm 2016, tại Anh đã thực hiện trên 5.000 ca, tại Mỹ là trên 10.000 ca.

Tại Đông Nam Á, Bệnh viện Phổi Trung ương của Việt Nam là đơn vị đầu tiên có thiết bị và đã triển khai thành công kỹ thuật này. Kỹ thuật đã được bệnh viện ứng dụng để đốt u phổi qua da (xuyên thành ngực) và thời gian tới sẽ tiến hành đốt u phổi qua phẫu thuật nội soi hoặc khi phẫu thuật mở.

TS.BS Cung Văn Công cũng chia sẻ, những trường hợp u phổi có đường kính ngang bằng hoặc nhỏ hơn 3cm mà chưa có hạch lớn tại rốn phổi hoặc trung thất (T1N0) thì phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi có u thường được tiến hành. Nếu bệnh nhân không muốn phẫu thuật có thể lựa chọn kỹ thuật đốt u phổi bằng vi sóng để điều trị tiệt căn. Toàn bộ khối u sẽ bị tiêu diệt trong khoảng thời gian tối đa 10 phút với công suất máy đặt 100 W.

Kết quả đốt được đánh giá là tốt khi xuất hiện vùng kính mờ bao phủ vượt ra cả ngoài ranh giới u ban đầu. Tùy theo kích thước của khối u mà liệu trình đốt sẽ được thiết lập.

Nguyên lý của kỹ thuật này là gây hoại tử (phá hủy bằng nhiệt) toàn bộ khối u và và vùng rìa (margin) nhu mô xung quanh khối u, tránh tối đa các tổn thương cho các cấu trúc xung quanh khối u

Cũng theo TS.BS Cung Văn Công, có rất nhiều chỉ định khác nhau cho kỹ thuật này như bệnh nhân được chẩn đoán u phổi ác tính nguyên phát, loại không tế bào nhỏ, dưới 5cm, có chỉ định phẫu thuật nhưng không muốn phẫu thuật; những bệnh nhân có chỉ định và đồng ý phẫu thuật song chức năng tim, phổi lại không cho phép gây mê; bệnh nhân cao tuổi; bệnh nhân có một số bệnh đồng mắc; bệnh nhân không có khả năng chịu đựng mất mát phổi (giảm thể tích thở); bệnh nhân có u phổi không còn chỉ định mổ (giai đoạn IIIb, IV), có mong muốn điều trị giảm nhẹ phối hợp cùng các phương pháp trị liệu khác (xạ, hóa trị, điều trị đích …); các trường hợp u lao, u thần kinh nội tiết lành, ác tính…

Với kỹ thuật này, không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có rối loạn đông, thiếu máu nặng, bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu, bệnh nhân mắc các bệnh hệ thống, vị trí u quá khó để tiếp cận hoặc tiếp cận không an toàn… là những điểm các bác sĩ cần lưu ý khi hội chẩn, trước khi đưa ra quyết định sử dụng kỹ thuật này.

Cũng theo TS Công, kỹ thuật này cũng có thể gây ra các biến chứng song thường ít gặp. Các biến chứng từ nhẹ đến nặng như: Đau, sốt, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu, viêm phổi, viêm thành ngực cũng đã được y văn đề cập.

Được biết, tại BV Phổi Trung ương hiện đã có 12 bệnh nhân được thực hiện điều trị bằng kỹ thuật này và vẫn đang được theo dõi chặt chẽ, bước đầu cho thấy kết quả khá khả quan. Các bác sĩ hy vọng trong thời gian tới, điều trị “đa mô thức” cho bệnh nhân ung thư phổi sẽ được bổ sung thêm kỹ thuật mới này để điều trị cho người bệnh một cách an toàn, nhanh chóng, hiệu quả và dễ tiếp cận.

Hiền Minh

 

baochinhphu.vn